Căn “bệnh lạ” xuất hiện trên 16 học sinh của Trường Phổ thông dân tộc
bán trú - THCS Tam Thanh (huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa) khiến số học
sinh này phải tạm thời nghỉ học, nhiều học sinh khác lo sợ không dám đến
trường.
“Bệnh lạ” xuất hiện ngày 20/1/2013 ở 5
em nữ học sinh lớp 8 là Lữ Thị Huyền Oanh, Hà Trang Nhung, Lữ Thị Tới,
Lò Thị Nhân, Lương Thị Huyền. Nói là “bệnh lạ” bởi biểu hiện “bệnh” của
số học sinh này bất thường và hiếm gặp.
Thầy giáo Hà Văn Khoa - Hiệu phó Trường Phổ thông dân tộc bán trú -
THCS Tam Thanh cho biết: “Bệnh của các em phát tác bất kỳ lúc nào với
biểu hiện cười sằng sặc không dứt, khi dừng cười các em lập tức gào
khóc, rồi nói nhảm. Cười, khóc, nói nhảm được khoảng 20 phút là một số
em lăn ra ngất. Sau chu kỳ cười - khóc - nói nhảm - ngất xỉu như thế là
một lần phát bệnh chấm dứt, các em lại quay về trạng thái bình thường”.
Cũng theo thầy Khoa, căn “bệnh lạ” này còn có biểu hiện “lan” sang nhiều
học sinh khác. “Đến ngày 18/2/2013 có 6 nữ học sinh lớp 7 và 7 học sinh
lớp 8 (bao gồm cả 5 học sinh đã bị vào ngày 20/1) cùng phát bệnh. Tiếp
đó, vào ngày 23/2/2013 tiếp tục có 3 học sinh lớp 6 nhiễm bệnh, nâng
tổng số học sinh của trường mắc bệnh lạ lên 16 em. Trong số đó có hai em
học sinh phát tác bệnh lạ liên tục” - Thầy Khoa cho biết. Được biết, 5
học sinh đầu tiên mắc “bệnh lạ” là số học sinh có học lực tốt, đang
tham gia lớp luyện thi học sinh giỏi. Số học sinh này ở tập trung tại
trường để ôn thi.
Tất cả số học sinh mắc “bệnh lạ” đều là nữ, khi một em có biểu hiện
“phát bệnh” mà các em khác nhìn thấy là hiệu ứng phát bệnh dây chuyền
lại diễn ra. Để ổn định công tác giáo dục, Trường Phổ thông dân tộc bán
trú - THCS Tam Thanh đã phải cho số học sinh mắc bệnh lạ nghỉ học. Khi
về nhà, được nghỉ học khoảng một tuần là biểu hiện “bệnh lạ” của các em
học sinh lại chấm dứt.
Chụp tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú - THCS Tam Thanh (huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa)
Việc 16 học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú - THCS Tam Thanh
mắc “bệnh lạ” làm ảnh hưởng lớn đến công tác giáo dục của nhà trường
cũng như vấn đề an ninh trật tự trên địa bàn. Đã có nhiều lời đồn ác ý,
vô căn cứ về nguyên nhân khiến số học sinh nói trên mắc bệnh lạ. Nhiều
gia đình có con mắc “bệnh lạ” cũng đã tổ chức lễ “cúng ma”, theo quan
niệm văn hóa của đồng bào dân tộc Thái. Mỗi lễ “cúng ma” khá tốn kém,
khoảng từ 1 triệu đến gần 10 triệu đồng, tùy điều kiện của mỗi gia đình.
Tuy nhiên, thầy Khoa cũng cho biết, ngay sau khi hiện tượng lạ xuất
hiện trên nhiều học sinh nữ, giáo viên nhà trường đưa một số em mắc
“bệnh lạ” đến Bệnh viện đa khoa huyện Quan Sơn để kiểm tra. Các y, bác
sỹ cho biết các em “không có bệnh tật hay bệnh lý gì”.
Theo các cơ quan chức năng có thể các em mắc phải hiện tượng rối loạn
tâm thần hàng loạt, phần lớn xảy ra ở nữ sinh. Biểu hiện của hiện tượng
này là bệnh nhân cười, khóc, gào thét, cảm xúc hỗn độn, cảm thấy người
yếu, ngã ra và thiêm thiếp như muốn ngủ. Nhà trường cũng được ngành y tế
tư vấn tách các em ra các lớp học, vị trí ngồi khác nhau. Đây là biện
pháp nhằm mục đích mỗi khi một học sinh “phát bệnh” không gây ra hiệu
ứng dây chuyền sang các em khác.
Thầy Khoa cho biết đến nay biểu hiện bệnh của các em học sinh đã đỡ, hai
tuần gần đây không có học sinh tái phát căn “bệnh lạ” nói trên. Sau khi
được tuyên truyền, phụ huynh đã đồng ý cho con cái đến lớp, đến nay
tất cả các học sinh nữ đã quay lại trường học tập.
Theo Hoàng Dũng (Giáo dục & Thời đại)
Comments[ 0 ]
Post a Comment