“Để chuyển giới thành một người phụ nữ rất khó, thậm chí còn gặp
nhiều tác hại về sau, nhưng em vẫn nguyện chết trên thân xác con gái dù
chỉ một phút giây, dẫu pháp luật và xã hội có thừa nhận hay không…”
Cát Thy - một nam chuyển giới sang nữ tâm sự như thế tại buổi chia sẻ
thông tin về người chuyển giới: "Tôi là ai?" tổ chức sáng 23/4 tại
TP.HCM.
Không được công nhận nên đành làm chui
Với gương mặt rất nữ tính, mái tóc dài và các đường nét thanh tú từ
sống mũi đến khuôn miệng, nếu không cất giọng nói ít ai biết được rằng
Thy là một chàng trai. Thy kể, để trở thành một cô gái chính hiệu như
ngày nay, Thy đã phải trải qua trăm nghìn đau đớn cả về thể xác lẫn tinh
thần.
|
Họ luôn mong muốn được sống thật với giới tính của mình, kể cả trên giấy tờ. Ảnh TN |
“Khi biết có tính nữ trong người, em luôn khao khát bằng mọi cách
phải trở về đúng giới tính thật của mình. Để có tiền mua thuốc, em phải
làm đủ mọi việc, kể cả đi hát cho đám ma. Mỗi một cặp hormone bên Thái
có giá 100.000 đồng, khi về Việt Nam khoảng 150.000 – 200.000 đồng. Có
thuốc rồi, em không biết phải nhờ bác sĩ nào tiêm hộ nên đánh liều tự
tiêm lấy hoặc nhờ bà chị làm giùm.
Ngay cả việc bơm silicon vào ngực, với giá khoảng 2,5 triệu/lít, em
cũng phải tự làm chui vì không có bác sĩ tư vấn riêng. Ngực đang bằng
phẳng, muốn nhô lên cao thì phải chịu đau đớn và quằn quại đến 4 – 5
ngày sau mỗi lần tiêm. Chưa kể, chỉ cần kim lệch vào phổi hay tim một
xíu là chết ngay chứ không trăn trối được điều gì. Mọi cố gắng của em
giờ cũng được bù đắp khi ngoại hình trông chẳng khác gì một cô gái. Tuy
nhiên, đến tận ngày hôm nay, em cũng không có điều kiện đi khám xem
trong ngực em có gì trong đó không…”, Thy rưng rưng kể.
Một bạn chuyển giới khác tiết lộ, để chuyển từ nữ sang nam cũng gian
truân và đau đớn không kém. Ngoài việc phẫu thuật bỏ buồng trứng và tử
cung với giá mềm 5 triệu đồng ra, đau nhất vẫn là phẫu thuật ngực với
giá rất đắt từ 30 - 50 triệu đồng. Đặc biệt, để trở thành con trai hoàn
toàn, họ còn phải tiêm hormone làm tăng tính nam thường xuyên, rất tốn
kém.
Không chỉ đau đớn về thể xác mà ngay cả tinh thần họ cũng phải chịu
nhiều áp lực trước cái nhìn định kiến của xã hội. Jessica (tên gọi theo
nick name), một nam chuyển thành nữ chia sẻ: "Khi gia đình biết mình là
con gái trong thân xác con trai, cả ba và mẹ đều cho là đồ biến thái,
quái dị. Ba còn đi kiếm thầy bùa về cúng bái, áp lực không chịu nổi,
Jessica đã ra ngoài sống. Sau này, một người cậu ở nước ngoài biết
chuyện đã gửi các sách báo về giới tính cho ba mẹ đọc. Dần dần, ba mẹ
cũng hiểu chuyện nhưng vẫn giấu giới tính thật của Jessica với người
ngoài".
“Vào những ngày nhà có khách, em phải ở trên gác, không được xuống
dưới nhà. Rồi em tự quyết định đi làm để chứng tỏ cho ba mẹ thấy người
chuyển giới không hề xấu, rất đàng hoàng, không làm bậy bạ điều gì mà
còn có tiền để tự đi chuyển đổi giới tính. Bây giờ ba mẹ thương em nhiều
lắm để bù đắp những gì trước kia cấm cản. Gặp ai mẹ cũng nói: cái này
do con gái tôi làm… khiến em hạnh phúc lắm”, Jessica vui mừng nói.
Tuy nhiên, sau khi thành con gái, Jessica cũng gặp rất nhiều trở ngại
như nhiều lần bị gọi đi nghĩa vụ quân sự, bị cảnh sát giao thông làm
khó dễ vì giấy tờ tên một đằng, người lại một nẻo.
Mong được pháp luật chấp nhận giới tính thật
Cũng trong tình cảnh không được thừa nhận là trường hợp của Yuki.
Yuki hãi hùng nói: “Có một lần em đi uống cà phê với bạn tới tận 11h30
mới về và bị công an bắt. Biết em là người chuyển giới, giấy tờ không
hợp lệ, họ đưa em về phường, giam tới tận 2 giờ sáng mới thả. Lần thứ 2
em cũng bị bắt, họ giữ giấy chứng minh nhân dân rồi kêu 2 ngày sau đem
750.000 đồng tới chuộc về. Thế là em bỏ luôn giấy chứng minh đó”.
Chính vì thế, phần lớn đều mong được pháp luật công nhận để họ có cơ
hội khẳng định mình. Theo tâm sự của Yuki, Cát Thy, họ luôn muốn Bộ Y tế
có tư vấn riêng cho người đồng tính để họ không phải sử dụng thuốc một
cách bậy bạ, nguy hiểm. Hoặc nếu pháp luật chưa chấp nhận giới tính của
họ thì có thể thêm 1 ô giới tính khác vào các giấy tờ để họ biết mình
đang ở vị trí nào trong xã hội. Đặc biệt, họ mong “Luật Chuyển đổi giới”
do Bộ Y tế đề xuất sẽ trở thành hiện thực.
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Những điều cần biết về trẻ tự kỷ
Trao đổi với PV, ông Trần Khắc Tùng, Giám đốc Trung tâm ICS, Viện Nghiên
cứu xã hội, Kinh tế và Môi trường cho hay, trên thế giới có Hiệp hội
Tâm lý học Hoa Kỳ (APA) đã loại đồng tính luyến ái khỏi danh sách các
bệnh tâm thần vào năm 1973. Ảnh hưởng bởi quyết định này, Tổ chức Y khoa
thế giới cũng làm việc tương tự vào năm 1990. Song, quyết định này
không được thông qua. Nhiều nhà tâm lý học đã công kích quyết định của
APA, họ cho rằng quyết định đó là do áp lực chính trị dữ dội từ các tổ
chức ủng hộ đồng tính chứ không phải vì các bằng chứng khoa học vững
chắc. Phải đến cuối năm 2012 vừa qua, “đồng tính luyến ái” mới được
chính thức gỡ bỏ khỏi danh mục rối loạn tâm thần.
Cũng theo ông Tùng, việc làm trên cũng đã ảnh hưởng đến Việt Nam.
Bằng chứng là chủ đề về giới tính đã “nóng” trên bàn nghị sự trong suốt
thời gian qua. Điều này cho thấy, những người chuyển giới sẽ có cơ hội
khẳng định mình khi không bị xã hội kỳ thị trong thời gian tới là rất
cao.
Tuy nhiên, ông Tùng cũng nhấn mạnh, nên cho phép chuyển đổi giới tính
nhưng phải cẩn thận. Chỉ chấp nhận chuyển giới đối với những người thật
sự muốn. Cần phải kiểm tra tâm lý, có chuyên gia giỏi về lĩnh vực tâm
lý chuyển giới cho họ.
Comments[ 0 ]
Post a Comment