Petrotimes) - Không chỉ có
các nước trong khu vực mà nhiều quốc gia trên thế giới đã và đang lên
tiếng cảnh báo về tham vọng của Bắc Kinh tại Biển Đông và biển Hoa Đông
bởi thời gian gần đây, Trung Quốc ngày càng bộc lộ rõ mưu đồ độc bá khu
vực này để thực hiện “Giấc mơ Trung Quốc” và “Phục hưng Dân tộc Trung
Hoa”.
Từ mối quan tâm của Singapore, Philippines, Malaysia
Ngày 2/4, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long khi có cuộc gặp với Tổng
thống Mỹ Barack Obama tại Nhà Trắng, đã kêu gọi Washington tăng cường
quan hệ thương mại với các nước Đông Nam Á để làm đối trọng với những
ảnh hưởng kinh tế của Bắc Kinh tại khu vực này. Bởi theo ông Lý Hiển
Long, ở châu Á, thương mại là yếu tố mang tính chiến lược quan trọng
nhất.
Trước đó (1/4) trong cuộc gặp Thủ tướng Lý Hiển Long, Bộ trưởng Quốc
phòng Mỹ Chuck Hagel khẳng định, Washington vẫn bảo lưu cam kết tái cân
bằng đối với khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, đồng thời cho biết sẽ tới
Singapore vào tháng tới để tham dự diễn đàn quốc phòng thường niên, còn
gọi là Đối thoại Shangri-La. Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry
sẽ có chuyến công du đầu tiên tới châu Á vào cuối tháng 4 kể từ khi ông
nhậm chức.
Cũng trong ngày 2/4, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tuyên bố, Washington
quan ngại sâu sắc về tình hình căng thẳng ở Biển Đông và muốn những
tranh chấp lãnh thổ ở đó được giải quyết thông qua trọng tài. Tuyên bố
này được đưa ra khi ông John Kerry có cuộc hội đàm với người đồng cấp
Philippines Albert del Rosario tại Mỹ. Ngoại trưởng John Kerry cũng tái
khẳng định sự ủng hộ của Mỹ đối với Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển
Đông (COC). Ngày 3/4, tờ The Philippine Star cho biết, Bộ Ngoại giao
Philippines ra tuyên bố cho biết, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry gọi tiến
trình vụ kiện Trung Quốc ra Tòa án Trọng tài Liên Hiệp Quốc là “một bước
đi đúng hướng”.
Theo Giáo sư Ian Storey của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore,
cuộc thao lược của các tàu chiến Trung Quốc nhằm đánh đi một thông điệp:
Bắc Kinh có khả năng hoạt động ở những nơi cách xa lục địa, có thể đổ
bộ lên các hòn đảo và chiếm các hòn đảo để giải quyết tranh chấp. Giáo
sư Ian Storey cho rằng, không phải tình cờ mà tàu Hải quân Trung Quốc
tiến sát Brunei, là nước giữ chức chủ tịch ASEAN năm 2013. Ngày 2/4, tờ
Inquirer đưa tin, Bộ Tổng tham mưu quân đội Philippines vừa quyết định
bổ nhiệm Thiếu tướng Rustico Guerrero làm Tư lệnh Bộ tư lệnh Miền Tây
thay Trung tướng Juancho Sabban về nghỉ hưu ở tuổi 56 sau 39 năm phục vụ
quân đội.
Ông Albert del Rosario (trái) gặp ông Kerry tại Trụ sở Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 2/4
Trong lễ bổ nhiệm, Tổng tham mưu trưởng Bautista chỉ thị cho tân Tư
lệnh Rustico Guerrero phải “bảo vệ người dân, chủ quyền, quyền chủ
quyền” của Philippines ở Biển Đông. Tân Tư lệnh Rustico Guerrero tuyên
bố, sẽ tiếp tục theo đuổi một cách mạnh mẽ những gì người tiền nhiệm đã
làm và ông sẽ làm những gì tốt nhất cho Philippines trong việc đối phó
với Trung Quốc và “các bên có tuyên bố chủ quyền” trên Biển Đông. Mặc dù
Bộ Tư lệnh Miền Tây được biên chế lực lượng và vũ khí trang bị hải
quân, không quân ít ỏi nhưng đơn vị này vẫn được giao nhiệm vụ “bảo vệ
chủ quyền” của Philippines tại “vùng kinh tế độc quyền” và các đảo
Philippines tuyên bố chủ quyền ở quần đảo Trường Sa. Được biết, nhiệm vụ
chính của lực lượng này ở Biển Đông là sử dụng máy bay cảnh báo nhằm
phát hiện sớm hoạt động của tàu thuyền Trung Quốc trên vùng biển
Philippines tuyên bố chủ quyền và báo về Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao và
chờ chỉ thị chứ không phải “chiến đấu”.
Tờ Straits Times đưa tin (2/4), Malaysia thông báo không hề thấy tàu
chiến Trung Quốc gần bờ biển nước này vào tuần trước. Tin này càng gây
xôn xao khi tuần trước giới truyền thông Trung Quốc dồn dập đưa tin: một
đội gồm 4 tàu do tàu đổ bộ Cảnh Cương Sơn dẫn đầu đã tới bãi đá James
Shoal mà Bắc Kinh ngang nhiên tuyên bố chủ quyền. Bãi ngầm James chỉ
cách thành phố biển Bintulu của Malaysia có 80km, cách Brunei 200km,
nhưng cách đất liền Trung Quốc tới 1.800km.
Đây là lần đầu tiên phương tiện truyền thông Trung Quốc công bố về cuộc
tập trận hải quân ở James Shoal và điều này có thể được coi là tín hiệu
đối với các quốc gia Đông Nam Á rằng, Bắc Kinh có thể sử dụng vũ lực để
giải quyết tranh chấp. Giới quân sự cho rằng, quân đội Trung Quốc ngày
càng hung hăng khi hải quân nước này tiến hành một cuộc tập trận bắn đạn
thật ở khu vực Tây Thái Bình Dương (31/3). Cuộc tập trận này diễn ra
chỉ vài ngày sau khi lực lượng này tiến hành một cuộc tập trận đổ bộ sát
bờ biển Malaysia và một cuộc tập trận rầm rộ ở quần đảo Trường Sa của
Việt Nam.
Mỹ, Nhật Bản và Australia đều nâng cao cảnh giác
Tạp chí “Hoàn Cầu” của Trung Quốc vừa có bài viết cho biết, ngày 1/3,
tàu tuần duyên thế hệ mới đầu tiên mang tên USS Freedom của quân Mỹ đã
lên đường đến Singapore, bắt đầu triển khai chiến đấu lần đầu tiên ở
nước ngoài trong thời gian 8 tháng. Tàu tuần duyên USS Freedom triển
khai ở Singapore nằm trong bối cảnh quân Mỹ dịch chuyển trọng tâm chiến
lược sang hướng Đông - tức quay trở lại Châu Á - Thái Bình Dương, hay
thực hiện chiến lược “tái cân bằng khu vực Châu Á - Thái Bình Dương”.
Trước đó, Mỹ từng tiết lộ, sẽ triển khai 4 tàu tuần duyên ở Singapore.
Nhưng trước đó (27/3), tờ USA Today đã chỉ trích, chính Mỹ không hành
động để Trung Quốc lấn tới, đồng thời chỉ trích chính sách “chuyển trục
châu Á” của Tổng thống Barack Obama đạt ít hiệu quả. Về những bước leo
thang mới nguy hiểm của Trung Quốc tại Biển Đông, Tiến sĩ Charles
Morrisson, Chủ tịch Hội Đông - Tây, một cơ quan nghiên cứu chính sách
tại Châu Á - Thái Bình Dương cho rằng, Mỹ không muốn tranh chấp được
giải quyết bằng vũ lực hay thái độ “ỷ lớn hiếp bé”. Ngày 2/4, tờ
Liberation của Pháp có bài viết nhận định về chủ nghĩa bành trướng trên
biển của Bắc Kinh khiến các nước láng giềng lo ngại và gia tăng căng
thẳng trong khu vực. Chuyên gia Stephanie Kleine-Ahlbrandt của Nhóm
Nghiên cứu khủng hoảng toàn cầu (ICG) nhận định rằng, cuộc chiến tranh
hao mòn để gặm nhấm biển đảo của Bắc Kinh là khôn ngoan.
Ngày 3/4, kênh Channel News Asia đưa tin, cựu Thủ tướng Nhật Bản Yasuo
Fukuda đã tới đảo Hải Nam, Trung Quốc để tham dự diễn đàn Bác Ngao và
nhiều khả năng sẽ hội kiến với ông Tập Cận Bình - tân Chủ tịch nước
Trung Quốc. Theo Hãng Kyodo, cựu Chủ tịch Thượng viện Nhật Bản Satsuki
Eda có kế hoạch thăm Bắc Kinh từ ngày 27 đến 29/4 để hội đàm với các
quan chức cấp cao của các bộ: giáo dục, văn hóa và ngoại giao của Trung
Quốc. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera có kế
hoạch thăm Mỹ trong khoảng thời gian cuối tháng 4, đầu tháng 5 để hội
đàm với người đồng cấp Chuck Hagel. Dự kiến, hai bộ trưởng sẽ thảo luận
về một loạt chủ đề như hoạt động của Trung Quốc gần quần đảo
Senkaku/Điếu Ngư, tái bố trí lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ tại căn cứ
Không quân Futenma ở tỉnh Okinawa…
Giới truyền thông đưa tin, cả 3 quân chủng của Nhật Bản sẽ lần đầu tiên
đến Mỹ diễn tập, đối phó với tình huống Trung Quốc xâm chiếm quần đảo
Senkaku/Điếu Ngư. Theo tờ Sankei Shimbun Nhật Bản, cuộc diễn tập mang
tên “Hành động chớp nhoáng trong bình minh”, sẽ được tổ chức ở “trại
Pendleton”, căn cứ hải quân Mỹ, bang California, Mỹ. Ngày 1/4, Lực lượng
bảo vệ bờ biển Nhật Bản thông báo, 3 tàu hải giám Trung Quốc đã đi vào
vùng lãnh hải xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Hạ tuần tháng 3,
tướng Shiregu Iwasaki, Chủ tịch uỷ ban tham mưu liên quân của Phòng vệ
Nhật Bản đã họp với Đô đốc Samuel Locklear, người đứng đầu Bộ Tư lệnh
Thái Bình Dương của quân đội Mỹ để bàn về kế hoạch nhằm chiếm lại quần
đảo Senkaku/Điếu Ngư, trong trường hợp các đảo này bị Trung Quốc xâm
lấn. Ngày 27/3, tờ Asahi Shimbun Nhật Bản cho biết, quần đảo
Senkaku/Điếu Ngư và quần đảo Takeshima/Dodho được Sách xanh khẳng định:
Bất kể về lịch sử hay về luật pháp quốc tế, cả 2 quần đảo này đều là
lãnh thổ cố hữu của Nhật Bản.
Giới truyền thông tiết lộ, Australia đã bí mật thành lập Ủy ban Các Bộ
trưởng về Trung Quốc nhằm đối phó với thách thức chưa từng có từ Trung
Quốc. Tuy việc này diễn ra từ tháng 12/2010 (sau khi liên tiếp có những
lời chỉ trích về việc chính phủ không nắm được tình hình và tính phức
tạp của Trung Quốc), nhưng đầu tháng 4 giới truyền thông mới loan tải.
Bởi sự ra đời của Ủy ban Các Bộ trưởng về Trung Quốc được giữ bí mật
tuyệt đối cho dù gặp nhau mỗi quý một lần kể từ giữa năm 2011. Thông tin
về Ủy ban Các Bộ trưởng về Trung Quốc được tiết lộ sau cuộc họp hôm
21/3 khi các thành viên bàn bạc về những ưu tiên cũng như chiến thuật
trước khi Thủ tướng Julia Gillar lên đường thăm Trung Quốc ngày 5/4.
Được biết, thành viên của Ủy ban Các Bộ trưởng về Trung Quốc (do Ngoại
trưởng khi đó là Peter Varghese dẫn dắt) khoảng 20 người đứng đầu các
bộ, ban, ngành như Bộ Tài chính, Bộ Quốc phòng và Cơ quan Tình báo
Australia.
Và tham vọng của Trung Quốc
Ngày 3/4, tờ Thời báo Hoàn Cầu dẫn phân tích của giới học giả Trung
Quốc cho rằng, hải quân nước này sẽ dùng vũ lực một khi đàm phán về Biển
Đông không có kết quả. Được biết, đội tàu chiến cơ động liên hợp thuộc
Hạm đội Nam Hải của Hải quân Trung Quốc tiến hành huấn luyện biển xa đã
bước sang ngày thứ 15 (tính đến 2/4) và theo Tư lệnh Hạm đội Nam Hải,
Chỉ huy đội tàu Tưởng Vĩ Liệt cho biết, Hải quân Trung Quốc phát triển
lớn mạnh không có nghĩa là chiến lược phòng thủ biển gần đã có sự thay
đổi.
Tư lệnh Tưởng Vĩ Liệt nhấn mạnh, là quân chủng chiến lược bảo vệ chủ
quyền quốc gia và giữ gìn quyền lợi biển quốc gia, chiến lược của hải
quân tất sẽ phục tùng và phục vụ cho chiến lược quốc gia, đồng thời cho
biết, tập trận ở vùng biển quốc tế sẽ trở thành thông lệ đối với các hạm
đội ngày càng lớn mạnh của nước này trong tương lai. Tuyên bố của Tư
lệnh Tưởng Vĩ Liệt được đưa ra sau lời kêu gọi của ông Phạm Trường Long,
Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương trong chuyến thị sát các đơn vị đóng ở
các tỉnh miền Đông Giang Tô, Phúc Kiến và Chiết Giang mới đây - các lực
lượng vũ trang phải tăng cường tính sẵn sàng chiến đấu và đảm bảo chiến
thắng trong mọi cuộc chiến.
Ông Lưu Tích (Tứ) Quý, Cục trưởng Cục Hải dương quốc gia Trung Quốc
tuyên bố, Trung Quốc sẽ duy trì tuần tra thường xuyên ở biển Hoa Đông và
Biển Đông nhằm “bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ” của nước này. Đồng thời
cho biết, Bắc Kinh sẽ phái tàu tuần tra thường xuyên ngoài Senkaku/Điếu
Ngư, cũng như cắt cử lực lượng “cắm chốt” ngoài bãi cạn
Scarborough/Hoàng Nham. Ông Lưu Tích (Tứ) Quý còn thông báo, sau khi tái
cấu trúc bộ máy tổ chức, chức năng, nhân sự, lực lượng Cảnh sát biển
Trung Quốc sẽ tăng cường và duy trì hoạt động “tuần tra chấp pháp” trái
phép ngoài Biển Đông và biển Hoa Đông. “Đây là lần đầu tiên Tổng đội
Giám sát Hải dương và Nghề cá tỉnh Hải Nam thực hiện nhiệm vụ tại bãi
cạn Scarborough/Hoàng Nham, quãng đường rất dài và đối diện với nhiều
tình huống phức tạp trên biển”, Cục trưởng Cục Ngư chính Nam Hải thuộc
Bộ Nông nghiệp Trung Quốc Ngô Tráng nói.
Ngày 1/4, tờ Tin tức Tài chính xuất bản tại Trung Quốc cho biết, chính
quyền của cái gọi là “thành phố Tam Sa” đang lên kế hoạch phát triển các
hoạt động thương mại, du lịch và sòng bạc trái phép tại khu vực quần
đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Việc mở sòng bạc tại đây để thu hút khách du
lịch ra thăm (trái phép) và tạo ra những “thiên đường trốn thuế” cho
khách nước ngoài tại quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Trước đó (31/3), tờ
Bưu điện Hoa Nam buổi sáng xuất bản tại Hongkong cho rằng, quân đội
Trung Quốc đang đóng vai trò ngày càng cao hơn trong các vùng biển tranh
chấp kể từ khi thế hệ lãnh đạo mới lên cầm quyền ở Bắc Kinh. Nghê Lạc
Hùng, học giả Hải quân Trung Quốc tại Thượng Hải cho biết, Tập Cận Bình
kêu gọi phát triển sức mạnh hàng hải và thực hiện giấc mơ phục hưng dân
tộc Trung Hoa, điều đó cho thấy, ông muốn tạo ra một sự khác biệt so với
người tiền nhiệm Hồ Cẩm Đào.
Ngày 28/3, Tân Hoa xã đăng bài “Việt Nam bịa đặt chuyện tàu cá bị bắn,
chuyên gia cho biết Việt Nam có nhiều ý đồ”. Đây là bài báo lấy lại
“nguyên xi” bài đăng lúc 0g22 ngày 28/3 trên báo mạng Tin Tức Trung Quốc
của hai tác giả Cao Thần và Đặng Vĩnh Thắng, trong đó khẳng định ý đồ
sử dụng vũ lực của Trung Quốc trong việc tấn công các tàu cá của Việt
Nam. Cũng trong ngày 28/3, tờ China in Brief của Quỹ Jamestown Mỹ có bài
viết nhan đề “Lực lượng Pháo binh 2 thời đại Tập Cận Bình” cho rằng,
mối quan hệ giữa nhà lãnh đạo Tập Cận Bình với Lực lượng Pháo binh 2
(Lực lượng tên lửa chiến lược) Trung Quốc đã gây ra rất nhiều suy đoán
đối với dư luận quốc tế về sự phát triển của Lực lượng tên lửa chiến
lược Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của tân Chủ tịch quân ủy Trung ương.
Tư lệnh Lực lượng Pháo binh 2 Tịnh Chí Viễn từng cho biết, sự phát
triển trong tương lai của lực lượng tên lửa chiến lược sẽ bao gồm tăng
cường các khả năng như tình báo và trinh sát, chọc thủng và sát thương
của tên lửa, khả năng sống sót, tấn công chính xác và phản ứng nhanh.
Ông Tịnh Chí Viễn còn cho biết, vũ khí hạt nhân của Trung Quốc “phát
triển hạn chế”, “không thể cạnh tranh về số lượng”. Trong 10 năm tới, dự
kiến Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng cường sức mạnh tên lửa hạt nhân.
Trong 2 ngày 1 và 2/4, tại Bắc Kinh diễn ra cuộc họp của quan chức
cao cấp ASEAN - Trung Quốc lần thứ 19. Theo thông cáo báo chí của Bộ
Ngoại giao Trung Quốc, tất cả các đại biểu tham dự cuộc họp đều nhất trí
cùng hợp tác hướng tới xây dựng Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển
Đông (COC). Các nước ASEAN và Trung Quốc đều khẳng định cam kết thực
hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông
(DOC).
Cuộc hội thảo về Biển Đông với chủ đề "Lịch sử, kinh tế quân sự và
truyền thông về biển Đông" (tại Trung tâm Văn hóa Việt Nam ở Paris,
Pháp) dưới sự chủ trì của nhóm "Biển Đông tại Pháp" phối hợp với Hội
Khoa học và Chuyên gia Việt Nam (AVSE) và Hội Sinh viên Việt Nam (UEVF)
tại Pháp, cũng được dư luận chú ý. Bởi tại hội thảo, các diễn giả đã
trình bày nhiều tham luận giới thiệu một cách khái quát về địa chính
trị, địa kinh tế và tầm quan trọng của khu vực Biển Đông, cũng như những
tiềm năng, vai trò của Biển Đông và những tranh chấp cùng một số vấn đề
liên quan đến an ninh và quốc phòng tại khu vực này.
|
Hồng Thất Công - Tuấn Quỳnh
Comments[ 0 ]
Post a Comment