Phóng viên:
Thưa ông, nếu vừa qua TP Đà
Lạt, tỉnh Lâm Đồng không phát hiện được 26 tấn khoai tây Trung Quốc có
dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt 16 lần ngưỡng cho phép thì người dân
đã bị đầu độc?
- Ông Nguyễn Xuân Hồng: Trong trường hợp như thế thì
bất cứ nước nào trên thế giới đều phải chấp nhận. Bởi vì không phát hiện
ra thì thôi, cũng như nhiều trường hợp, đi khám mãi mà bác sĩ không
phát hiện ra bệnh nhưng thực chất là đang mắc bệnh.
Hiện nay, trên thế giới cũng chỉ đến mức độ như thế thôi, kể cả các nước
phát triển nhất họ cũng đang áp dụng những biện pháp như vậy. Bất cứ
phương pháp kiểm tra gì trên thế giới cũng có độ rủi ro chứ không
bao giờ được tuyệt đối 100%.
Cơ quan chức năng TP Đà Lạt lấy mẫu kiểm nghiệm khoai tây Trung Quốc Ảnh: Khắc Lịch
Những nông sản có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép sẽ ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe của người tiêu dùng?
- Mức dư lượng tối đa cho phép là mức mà trong thương mại người ta đưa
ra, nó rất an toàn. Đó là mức mà người ta thấy có nguy cơ ảnh hưởng đến
sức khỏe để cơ quan quản lý nhà nước và người tiêu dùng có thông tin và
bắt đầu tăng cường kiểm tra, đảm bảo các biện pháp an toàn; chứ không
phải cứ vượt ngưỡng tối đa cho phép là mất an toàn. Ví dụ, người ta nói
hằng ngày, 1 thanh niên 18 tuổi phải ăn 3.000 cây xà lách hoặc 1 cô gái
phải ăn 354 quả táo. Khi các loại rau quả này có dư lượng thuốc bảo vệ
thực vật vượt ngưỡng cho phép, phải liên tục ăn như thế thì nó mới ảnh
hưởng đến sức khỏe.
Vì vậy, có những mẫu dù dư lượng thuốc trừ sâu vượt mức tối đa cho phép
và vi phạm quy định của Việt Nam nhưng cũng chưa đồng nghĩa với việc mất
an toàn. Khi nào nó vượt ngưỡng hàng trăm lần, thậm chí 1.000 lần thì
lúc ấy cơ quan quản lý nhà nước mới vào cuộc để truy xuất nguồn gốc,
tiêu hủy. Sau đó, có nhiều nước họ đưa ra thông
báo cho dân chúng không nên mua hoặc nếu đã mua rồi thì không nên ăn sản phẩm đó.
Khoai tây Trung Quốc bán tại TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng Ảnh: Khắc Lịch
Sau việc để lọt 26 tấn khoai tây Trung Quốc vừa qua, chúng ta có
tính đến việc thay đổi phương pháp lấy mẫu để kiểm soát chất lượng nông
sản?
- Có chứ! Một khi đã phát hiện ra thì đều phải truy xuất nguồn gốc và
xem doanh nghiệp nào nhập, với lý do là gì. Nếu lý do doanh nghiệp nhập
khẩu lô hàng từ bên ngoài, có vi phạm thì ngay lập tức sẽ áp dụng các
quy trình kiểm tra chặt hơn. Có nghĩa là những lô hàng tiếp theo của
doanh nghiệp đó sẽ không được thông quan ngay mà phải chờ kết quả kiểm
tra và phải tăng tần suất kiểm tra, khi kiểm tra an toàn mới được đưa
vào.
Với doanh nghiệp đã nhập khẩu lô hàng khoai tây về Đà Lạt, nếu lần sau lại vi phạm thì sẽ xử lý thế nào?
- Sẽ rất khó có lần sau. Nhưng nếu vẫn để lọt nữa thì trách nhiệm là của
cơ quan quản lý nhà nước, cụ thể là cửa khẩu. Tuy nhiên, cũng không
loại trừ trường hợp sau khi đã đưa hàng qua cửa khẩu, trong quá trình
bảo quản, chế biến và thậm chí là trong quá trình kinh doanh, có một số
người sử dụng các loại thuốc trừ sâu. Vì vậy, chúng ta phải kiểm tra tất
cả các công đoạn.
Với 26 tấn khoai tây tại Đà Lạt thì thuốc trừ sâu được đưa trước hay sau khi qua cửa khẩu?
- Vụ khoai tây Đà Lạt với mức vượt ngưỡng cao như vậy thì chúng tôi đang
tiếp tục xem xét nhưng có nhiều khả năng do doanh nghiệp đưa vào sau
khi nhập hàng.
Ngoài khoai tây, hiện cơ quan chức năng có chỉ đạo nào về kiểm soát chất lượng nông sản?
- Việc tăng cường kiểm soát nông sản nhập khẩu hiện nay đều được kiểm
tra thường xuyên, liên tục theo Thông tư 13 của Bộ NN-PTNT và theo thông
lệ quốc tế. Nếu muốn tăng tần suất kiểm tra thì phải có cơ sở pháp lý
vì có vi phạm mới tăng. Nếu tăng theo ngẫu hứng thì sẽ gặp phản ứng của
các doanh nghiệp. Hiện nay, Việt Nam đang xuất khẩu nông sản đi các nước
nhiều hơn là nhập khẩu. Nếu áp dụng các biện pháp không phù hợp với
thông lệ quốc tế sẽ bất lợi cho nông sản Việt Nam.
Comments[ 0 ]
Post a Comment