Kinh doanh online mới chỉ chiếm 0,3%-0,5% tổng doanh số bán lẻ (khoảng 500 tỉ), trong khi có thể đạt đến 105.000 tỉ/năm.
Theo báo
cáo mới nhất của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam thực hiện với
3.193 doanh nghiệp (DN), 42% DN cho biết đã xây dựng website riêng nhưng
chỉ 29% trong đó chấp nhận đặt hàng qua website. Con số này là quá ít
so với tiềm năng thị trường. Một miếng bánh “béo bở” mà chưa DN Việt Nam
nào chiếm lĩnh được.
Cái khó từ thói quen tiêu dùng
Theo ông Nguyễn Hòa Bình, Trưởng ban Truyền thông Hiệp hội Thương mại
điện tử, sau một loạt trường hợp DN bán hàng đa cấp trá hình thương mại
điện tử để lừa đảo (Diamond Holiday, Muaban24...) và sự rạn nứt của mô
hình bán hàng theo nhóm online (Deal Sốc, Nhóm Mua...), niềm tin tiêu
dùng đối với kinh doanh online đã giảm mạnh, gây ảnh hưởng không nhỏ đến
sự phát triển của ngành này.
Để chắc ăn hơn, ông Đinh Anh Huân, Tổng Giám đốc hệ thống
Dienmay.com, cho biết hiện khách hàng chỉ chủ yếu tham khảo sản phẩm
trên website của DN, sau đó đến mua trực tiếp. Giá trị mặt hàng khách
chọn mua theo cách này đa phần là thấp, đối với mặt hàng giá trị cao,
khách vẫn muốn mua trực tiếp do lo ngại về chất lượng và dịch vụ. Do đó,
tỉ trọng doanh số từ kinh doanh online chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong
tổng doanh số của nhiều DN, từ đó ảnh hưởng đến quyết định có nên mở
rộng đầu tư vào kênh này hay không.
Đa
số người tiêu dùng Việt Nam tham khảo sản phẩm qua mạng để đến mua trực
tiếp, nhu cầu đặt hàng qua mạng chưa nhiều gây khó cho DN kinh doanh
online. Ảnh: TÚ UYÊN
Tình hình kinh tế năm 2013 được dự báo tiếp tục khó khăn, trong đó mô
hình bán hàng truyền thống sẽ chịu sức ép lớn về các chi phí mặt bằng,
nhân sự, đầu vào… Do vậy, các chuyên gia marketing nhận định việc đẩy
mạnh đầu tư vào kinh doanh online về chiều sâu có thể giúp các DN tiết
kiệm được chi phí lưu kho, giảm vốn lưu động, tiết kiệm chi phí mặt
bằng, nhân sự... từ đó giảm giá thành sản phẩm. Đây cũng là chiến lược
giúp DN bắt kịp nhịp độ phát triển nhanh của nền kinh tế số trên thế
giới.
Nắm bắt cơ hội
Trong khi đó, với nhận định kênh bán hàng online sẽ phát triển mạnh
trong tương lai gần, Siêu thị điện máy Thiên Hòa đã đẩy mạnh đầu tư từ
cách đây ba năm. Kết quả là doanh thu bán hàng online hai năm gần đây
tăng đến 600%.
Còn tại hệ thống siêu thị điện máy Dienmay.com, lượng đơn đặt hàng
online tháng này tăng 30% so với tháng trước, doanh số tăng 10%. Không
nằm ngoài cuộc chơi, “đại gia” bán lẻ Nguyễn Kim cũng đầu tư mạnh vào
kênh này với mức tăng trưởng doanh số năm 2012 là 25% so với năm 2011.
Trong khi đó, dù là “lính mới” trong lĩnh vực này nhưng Công ty TNHH
MTV Giờ Giải Lao (Lazada.vn) đã phần nào tạo được uy tín với người tiêu
dùng. Đại diện Lazada.vn cho biết thị trường mua sắm trực tuyến Việt Nam
đang trong giai đoạn mới phát triển, ít cạnh tranh nên là cơ hội tốt để
tăng tốc phát triển. Tuy nhiên, thách thức lớn đối với các DN lúc này
là xây dựng niềm tin nơi khách hàng.
Không phải ngành nào cũng làm được
Tuy nhiên, kinh doanh online không phải là mô hình phù hợp với tất cả
mặt hàng tiêu dùng. Ông Trương Văn Quý, Giám đốc Trường Đào tạo
Internet marketing EQVN, cho rằng còn tùy vào đặc thù từng ngành và mô
hình phân phối của DN. Một số ngành như du lịch, sách, điện tử điện
lạnh, thời trang... phù hợp để kinh doanh online hơn là các mặt hàng
tiêu dùng nhanh (mỹ phẩm, thực phẩm...).
Bên cạnh đó, chuyên gia marketing Ngô Đình Dũng nhận định đa số DN
Việt Nam đang khá thành công với mô hình này là trung tâm mua sắm lớn có
uy tín thương hiệu từ trước, vừa bán trực tiếp và vừa bán online. Đây
là một yếu tố đặc thù đối với kinh doanh online tại Việt Nam. Sở dĩ kinh
doanh online ở các nước như Mỹ, Úc phát triển mạnh là do khoảng cách
địa lý các nơi xa nhau cùng quy định chặt chẽ được tuân thủ nghiêm
chỉnh. Ở Việt Nam thì ngược lại, người tiêu dùng vẫn thích mua tận nơi
với thói quen “tiện đường ghé mua”.
Mặt khác, ứng dụng công nghệ cao vẫn là một điểm yếu của đa phần DN
Việt Nam do quy mô còn nhỏ và chưa đủ tiềm lực tài chính. Trong khi để
việc kinh doanh online hiệu quả phải vận hành đồng bộ về quản lý như
thường xuyên cập nhật sản phẩm, phản hồi nhanh và bảo mật thông tin cho
khách hàng, quản trị website tốt tránh bị xâm nhập…
Vì thế, đại diện Hiệp hội Thương mại điện tử cho rằng cần thêm một
bước tiến dài nữa thì kinh doanh online Việt Nam mới phát triển. Trong
đó, không thể thiếu các quy định chặt chẽ, chế tài hợp lý bảo vệ quyền
lợi người tiêu dùng. Trước mắt, đây vẫn là xu hướng kinh doanh khả thi
khi lượng người dùng Internet cùng thói quen và nhu cầu mua sắm tiện lợi
ngày càng tăng. Hiện Việt Nam mới có khoảng 31 triệu người dùng
Internet, tương ứng 34% dân số, đây là điều kiện thuận lợi cho kinh
doanh online phát triển.
Cũng là giao dịch qua mạng
nhưng với kinh doanh online chính thống, khách hàng sẽ giao dịch trực
tiếp với chính DN thực hiện cùng nguồn hàng hóa đã được đảm bảo; dễ dàng
phản hồi và được phục vụ nếu xảy ra sự cố trong quá trình mua bán hoặc
sử dụng sản phẩm. Trong khi với mua hàng theo nhóm, khách hàng phải qua
DN trung gian không chủ động được nguồn hàng, thường không chịu trách
nhiệm về sản phẩm của đơn vị cung cấp. Nhưng cách này thường thu hút
khách hàng hơn nhờ giá rẻ.
Ông LÊ PHẠM ANH THY, Giám đốc marketing Công ty CP TM Nguyễn Kim
|
Theo Tú Uyên (Pháp luật TPHCM)
Comments[ 0 ]
Post a Comment