Chính phủ Nhật Bản đang tiến hành thảo luận và xem xét
việc thay đổi cơ bản trong học thuyết quốc phòng và qua đó cho phép
quân đội có thể “tấn công phủ đầu” kẻ xâm lược tiềm năng.
Ngày 26/7, các phương tiện truyền thông Nhật Bản
cho biết, chính phủ của ông Shinzo Abe đang tiến hành nghiên cứu và xem
xét một báo cáo đề nghị thay đổi chính sách quốc phòng quân sự quốc
gia. Nếu có một kết luận nào đó được thông qua, vấn đề này sẽ được thực
hiện vào cuối năm 2013.
Bản báo cáo thể hiện những nghiên cứu để "tăng cường khả năng ngăn chặn và đối phó với tên lửa đạn đạo" nhằm chống lại một cuộc tấn công và xâm lược của kẻ thù.
Tuy nhiên, báo cáo của Bộ Quốc phòng Nhật Bản lại không đề cập gì đến những biện pháp đối với các căn cứ quân sự nước ngoài đặt trên lãnh thổ Nhật Bản
nếu chúng bị đe dọa tấn công. Đồng thời Tokyo khẳng định, ý định chuyển
sang chiến lược “tấn công phủ đầu kẻ xâm lược tiềm năng” không có nghĩa
là Nhật Bản sẽ trở thành một cường quốc hạt nhân - bất chấp
thực tế là Trung Quốc – đối thủ lớn nhất của họ ở châu Á đã sở hữu một
bộ ba hạt nhân đầy đủ chính thức từ nhiều thập kỷ qua, còn Triều Tiên đã
được chứng minh là có tham vọng hạt nhân ít nhất là từ năm 2007.
"Việc phục hồi khả năng tấn công sẽ là một thay đổi cơ
bản trong chính sách quốc phòng của chúng tôi", một giáo sư tại Viện
nghiên cứu chính sách, Marushige Michishita, nói với phóng viên của hãng
tin Reuters.
Các chuyên gia nói rằng để có được khả năng tấn công phủ đầu, Nhật Bản bắt buộc phải phát triển các loại tên lửa liên lục địa và
tên lửa hành trình cùng với một lực lượng không quân mạnh mẽ hơn.
"Nó sẽ có chi phí rất lớn và mất thời gian, kể cả trong việc đào tạo và huấn luyện binh sỹ", giáo sư Michishita kết luận.
Các nhà lãnh đạo Nhật Bản đang có ý định
thay đổi hiến pháp hòa bình do Mỹ soạn thảo từ hơn nửa thế kỷ trước.
Trong bản Hiến pháp này, Điều 9 đã quy định cấm Nhật Bản tiến hành chiến tranh và có quân đội hiện đại của riêng mình. Mặc dù vậy, hôm nay Nhật Bản tự hào là một trong những đội quân hùng mạnh nhất ở châu Á.
Binh sỹ Nhật Bản có khá nhiều kinh nghiệm
thực chiến do đã tham gia vào tất cả các cuộc xung đột mà Hoa Kỳ khởi
xướng trong hai thập kỷ qua. Lực lượng gìn giữ hòa bình của Nhật Bản cũng tích cực tham gia vào các nhiệm vụ của Liên Hợp Quốc ở châu Phi và châu Á.
Để tham gia vào các dự án quốc tế, Nhật Bản
đã phải giảm bớt lệnh cấm xuất khẩu vũ khí mà nước này tự áp đặt. Hiện
nay, các nhà lãnh đạo của tổ hợp công nghiệp quân sự của Nhật Bản,
những người khổng lồ như tập đoàn công nghiệp Mitsubishi, tập đoàn công
nghiệp Kawasaki và Fuji đang nóng lòng chờ đợi hướng dẫn rõ ràng để
thúc đẩy việc xuất khẩu vũ khi quân sự của họ ở nước ngoài.
Do Nhật Bản đã duy trì Điều 9 của Hiến pháp
trong nhiều thập kỷ, một số chuyên gia cho rằng, nếu thay đổi vào lúc
này, đó là một quá trình tiến hóa chứ không phải là một cuộc cách mạng.
Cũng trong khoảng thời gian đó, Washington đã không có bất cứ sự “phàn
nàn” hay lo ngại nào về việc phát triển tiềm năng quân sự của Nhật Bản có nguy cơ đối với Mỹ. Thực tế, các mối đe dọa tiềm năng Nhật Bản có thể phải đối mặt vào lúc này đều đến từ châu Á.
Trung Quốc không chỉ có quân đội
lớn nhất thế giới, nhưng đã được hiện đại hóa một cách đáng kể trong
gần 2 thập kỷ qua. Triều Tiên là một kẻ thù “không đội trời chung” của
Washington và liên tục khó chịu với sự thống trị của Mỹ ở Thái Bình
Dương. Triều Tiên được cho là đang phấn đấu để trở thành một quốc gia có
khả năng “răn đe hạt nhân” và cũng đã nhiều lần công khai đe dọa phá
hủy các căn cứ quân sự của Mỹ trên lãnh thổ Nhật Bản.
Theo Infone
Comments[ 0 ]
Post a Comment