Trung Quốc cảnh báo các quốc gia khác “đừng
mơ chúng tôi nhượng bộ làm suy yếu chủ quyền”, giữa lúc Bộ trưởng Quốc
phòng nước này đang thăm Mỹ.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel sẽ hội đàm với người đồng cấp
Trung Quốc Thường Vạn Toàn tại Lầu Năm Góc vào ngày 19.8 (theo giờ địa
phương). Giới quan sát dự đoán ngoài các vấn đề an ninh - quốc phòng
song phương, 2 bên có thể bàn về những tranh chấp chủ quyền ở biển Đông
và Hoa Đông. Đáng lưu ý, trong mấy ngày ông Thường ở Mỹ, truyền thông
Trung Quốc đồng loạt tung ra nhiều thông tin bị cho là mang tính lên
giọng, thị uy liên quan đến tuyên bố chủ quyền và hoạt động của nước này
trên biển.
Cụ thể, tạp chí Cầu Thị của Đảng Cộng sản Trung Quốc đăng bài viết do
Ủy viên Quốc vụ Dương Khiết Trì chấp bút về những thành tựu, chính
sách, sáng kiến ngoại giao. Trong đó, ông Dương nhấn mạnh: “Chúng ta
phải luôn ghi nhớ là làm việc để đạt điều tốt nhất và chuẩn bị ứng phó
những điều tồi tệ nhất”.
Tàu chiến Trung Quốc trong đợt tập trận mới ở biển Đông - Ảnh: Nhân Dân nhật báo
|
Ông lặp lại lời của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rằng “tuy cam
kết phát triển hòa bình, chúng ta không thể từ bỏ lợi ích hợp pháp hoặc
thỏa hiệp về các lợi ích cốt lõi”. Trước đó, Bắc Kinh từng nhiều lần gọi
biển Đông và Hoa Đông là “lợi ích cốt lõi”.
Ông Dương còn cảnh báo: “Chớ có mong đợi chúng tôi nuốt trái đắng làm
suy yếu chủ quyền, an ninh và các lợi ích phát triển của mình”. Bên
cạnh đó, Nhân Dân nhật báo đăng bài bình luận cho rằng muốn có Bộ quy
tắc ứng xử ở biển Đông (COC) cần phải tốn nhiều thời gian và cần kiên
nhẫn.
Đây là tuyên bố thường thấy của Trung Quốc trong thời gian qua liên
quan đến COC, bộ quy tắc mang tính ràng buộc pháp lý được đánh giá là sẽ
giúp xây dựng lòng tin, hạn chế các hành vi gây hấn, trái pháp luật
trên biển Đông. ASEAN đã thống nhất rằng cần nhanh chóng xây dựng COC,
còn Mỹ cũng nhiều lần kêu gọi các bên liên quan nỗ lực sớm cho ra đời
văn kiện này.
Trong bài phát biểu tại Viện Chính sách quốc tế Lowy, Ngoại trưởng Úc
Bob Carr cũng cảnh báo rằng nếu không sớm có các động thái giảm nguy cơ
và xây dựng lòng tin, tình hình biển Đông có thể lâm vào bế tắc, theo
website của Lowy.
Chưa hết, Tân Hoa xã ngày 16.8 còn tung ra nhiều thông tin, hình ảnh
Hạm đội Nam Hải của Trung Quốc tập trận rầm rộ ở biển Đông, nhưng không
nói rõ thời gian và địa điểm cụ thể.
20 người Nhật đến gần Senkaku/Điếu Ngư
Hôm qua, 20 thành viên một nhóm hoạt động theo chủ nghĩa
dân tộc của Nhật Bản đi trên 5 con tàu tiến gần quần đảo Senkaku/Điếu
Ngư đang tranh chấp với Trung Quốc. Reuters dẫn lời một thành viên cho
hay họ không đổ bộ lên đảo mà chỉ tiến tới gần, nhằm gửi thông điệp tới
Trung Quốc rằng quần đảo thuộc chủ quyền của Nhật Bản. Bắc Kinh chưa có
phản ứng về sự kiện này.
|
Văn Khoa
Comments[ 0 ]
Post a Comment