Chiều nay 8.11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì họp giao ban trực tuyến với các tỉnh, thành phố từ Thanh Hóa đến Cà Mau chỉ đạo công tác ứng phó với
siêu bão Haiyan (Hải Yến).
Ông Bùi Minh Tăng, cho biết, bão Hải Yến có cấp độ mạnh nhất trong thang dự báo quốc tế, có phạm vi ảnh hưởng rộng đến 400 km.
Dự kiến chiều tối nay, bão vào biển Đông trở thành cơn bão số 14 ảnh hưởng đến các tỉnh đất liền nước ta.
Vùng biển giữa quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa là vùng đặc biệt nguy hiểm, sẽ có sóng gió ngợp trời. Theo dự báo, vùng tâm bão tiếp cận từ Quảng Ngãi đến Thừa Thiên-Huế. Sau đó, bão sẽ đổi hướng lên hướng Bắc rồi quét qua các tỉnh từ Thừa Thiên-Huế đến Quảng Bình, sau đó tiếp tục ảnh hưởng các tỉnh từ Quảng Trị đến Nghệ An. Dự báo bão đổ bộ đất liền sớm thì khoảng 4 giờ, chậm là 10 giờ sáng 10.11.
Đường đi của siêu bão Hải Yến - Ảnh: Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư
|
Theo dự báo, các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên-Huế, Quảng Bình, Quảng Trị, các đảo Cồn Cỏ, Hòn Ngư sẽ có gió mạnh cấp 12 - 14, giật đến cấp 17. Sóng biển sẽ trùm sâu vào đất liền. Khu vực ven biển từ Nghệ An đến Quảng Ngãi nước biển dâng cao từ 4 - 6 mét, sóng biển cao từ 5 - 5 mét. Vùng gần tâm bão có sóng cao trên 10 mét.
Siêu bão Hải Yến có sức mạnh hủy diệt lớn nhất từ trước đến nay. Theo tài liệu sưu tầm từ các quốc gia từng đón siêu bão với gió đến cấp 17, gió bão sẽ làm sập đổ toàn bộ nhà cấp 3 - 4, các nhà xưởng bằng khung thép cũng bị kéo sập đổ, bão thổi bay các biển quảng cáo, làm lật gốc, quật đổ cây cối. Các mảnh vỡ từ các công trình sập đổ, cành cây… bay trong gió bão có tốc độ ngang như tên bắn.
“Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư sẽ phát tin với tần suất 1 giờ một lần để cung cấp kịp thời đến người dân và cơ quan chức năng, bởi đây là cơn bão lớn nhất trong lịch sử đổ bộ vào nước ta”, ông Tăng nói.
Bão đi nhanh hơn tàu thuyền
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trưởng ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão T.Ư Cao Đức Phát nhấn mạnh, các địa phương phải chịu trách nhiệm rà soát đến từng tàu thuyền để hướng dẫn phòng tránh bão. Các tỉnh từ Thừa Thiên-Huế đến Quảng Ngãi, một phần bắc Bình Định lên phương án
di dân triệt để tại vùng ven biển.
Do ảnh hưởng của bão Hải Yến, các tỉnh miền Trung sẽ có mưa lớn, trong mưa lớn cần có thêm phương án chống úng ngập; đảm bảo an toàn các hồ, đập. Mưa bão có thể ra miền Bắc, gây
úng ngập tại Hà Nội.
Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng đề xuất phương án dừng, cấm phương tiện giao thông trên quốc lộ 1 tại các tỉnh dự báo bão sẽ đổ bộ.
Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh, hiện tại bão Hải Yến di chuyển với tốc độ 30 km/giờ trong khi phương tiện của ngư dân chỉ có tốc độ trên 10 km/giờ. Bão đang đi nhanh hơn tàu thuyền. “Đối với các tàu thuyền đủ thời gian di chuyển thì dứt khoát yêu cầu vào bờ, nếu không kịp thì phải hướng dẫn chạy ra khỏi vùng biển ảnh hưởng của bão”, ông Phát nói.
Dừng hội họp từ Thanh Hóa đến Cà Mau
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, theo dự báo mới của Việt Nam và các đài quốc tế, cơn bão Haiyan là siêu bão, có cấp gió mạnh nhất. Bản tin đài CNN cũng gọi đây là cơn bão mạnh chưa từng có trên trái đất.
Nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, chính quyền các cấp từ trung ương đến địa phương lúc này là tập trung mọi nguồn lực, giải pháp, phương tiện cơ sở vật chất để chống bão. Mục tiêu cao nhất trong lúc này là hạn chế thấp nhất thiệt hại về tính mạng và tài sản của nhân dân, tài sản, cơ sở vật chất của nhà nước. Trong đó, ưu tiên bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người. Lực lượng công an, quân đội và thanh niên tại các địa phương khẩn trương vào.
Thủ tướng Chính phủ lưu ý, Bộ Quốc phòng có phương án đảm bảo an toàn cho cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ tại q
uần đảo Trường Sa, nhà giàn DK1. Bộ Công Thương, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam có phương án đảm bảo an toàn tài sản trên các giàn khoan.
“Các tỉnh từ Thanh Hóa đến Cà Mau dừng tất cả các cuộc hội họp, ưu tiên và tập trung cao nhất cho việc dồn sức tìm mọi biện pháp phòng tránh bão. Lãnh đạo các địa phương phải chịu trách nhiệm trước nhân dân, trung ương về thiệt hại trong cơn bão này”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, ở các vùng tâm bão dự kiến đổ bộ, bắt đầu từ ngày mai cho hoc sinh nghỉ học. Các tỉnh từ Thanh Hóa đến Cà Mau cấm biển không cho tàu, thuyền ra khơi. Riêng các tỉnh khu vực miền Trung cần có phương án cho các hồ chứa, không để xảy ra sự cố trong mưa bão.
Hoàng Phan
Comments[ 0 ]
Post a Comment