Thời gian qua, hàng trăm người tại TP.HCM và
nhiều địa phương khác đã bị lừa hàng tỉ đồng với chiêu lừa bắt đầu bằng
cuộc gọi thông báo nợ cước điện thoại.
Cảnh giác chiêu lừa qua điện thoại
Dưới đây là một trường hợp điển hình.
Dụ dỗ, đe dọa khiến nạn nhân rối trí
"Tôi cũng đủ tỉnh táo để hiểu tiền mình chuyển vào tài
khoản người khác thì làm sao lấy lại, tôi thắc mắc nhưng họ nói cứ yên
tâm chuyển tiền để điều tra, nếu tôi không vi phạm sẽ được trả lại. Họ
còn dọa nếu tôi không chuyển, tài khoản sẽ bị đóng băng, tôi có thể bị
bắt, bị bỏ tù vì không tìm ra kẻ giả danh tôi trong đường dây tội phạm
mà họ đang điều tra"
Bà N.T.B.L.
|
Hơn 12g ngày 12-2, số điện thoại bàn nhà bà N.T.B.L.
(Q.Bình Thạnh, TP.HCM) đổ chuông. Bà L. nhấc máy, từ tổng đài tự động
thông báo: “Quý khách đang nợ 8.930.000 đồng cước điện thoại, vui lòng
thanh toán trong vòng hai giờ, nếu không sẽ bị cắt liên lạc. Để biết
thêm chi tiết, vui lòng nhấn phím số 9”. Khi bà L. nhấn phím số 9, một
nam “tổng đài viên” hỏi, bà L. trình bày việc tổng đài thông báo nợ cước
sai thì người này hỏi lại tên bà. Nghe bà báo tên xong, người này bảo
tên bà được đăng ký một số điện thoại tại Hà Nội, số máy này liên tục
gọi đi nước ngoài và nợ cước gần 9 triệu đồng. “Có thể bác đã bị đánh
cắp thông tin đăng ký điện thoại, bác có muốn tôi nối máy cho bác gặp
Công an Hà Nội để trình báo hay không?”. Tin người này là nhân viên tổng
đài, bà L. đồng ý. “Trong khi người này chuyển máy, tôi còn nghe các
thao tác trên bàn phím, nghe giọng nói như từ tổng đài trước khi nghe
giọng một người đàn ông tự xưng là cán bộ của Bộ Công an” - bà L. kể để
lý giải vì sao bà bị lừa.
Khi nghe bà L. trình bày, người được cho là “cán bộ của
Bộ Công an” đọc lại tên tuổi, địa chỉ, số chứng minh nhân dân của bà để
xác minh và thông báo bà đứng tên một tài khoản ở Ngân hàng Vietcombank
tại Hà Nội, có giao dịch mấy chục tỉ đồng của một đường dây rửa tiền
quốc tế. “Họ yêu cầu tôi phải hợp tác điều tra vì trong đường dây này có
hơn 500 người, công an đã bắt được mấy chục người và đang tiếp tục bí
mật điều tra. Họ yêu cầu tôi giữ liên lạc bằng máy bàn và sạc pin điện
thoại di động vì sẽ phải “hợp tác điều tra” trong thời gian dài liên
tục, không được rời máy ra. Họ diễn kịch như thật. Lúc nói chuyện với
tôi, “cán bộ” nói trên còn cố tình nói lớn “Các đồng chí phải ghi âm cẩn
thận để phục vụ điều tra” để tôi nghe và yêu cầu tôi phải nói to, rõ
ràng để họ ghi lại nên tôi răm rắp làm theo” - bà L. kể.
Trong khi nói chuyện với bà L., các đối tượng lừa đảo
mạo danh “cán bộ điều tra” cung cấp số điện thoại của họ đang gọi tới để
bà kiểm tra qua tổng đài 1080 tại Hà Nội. Bà L. gọi tổng đài kiểm tra
thì nhân viên tổng đài thật trả lời số điện thoại đó đúng là của Bộ Công
an khiến bà L. không thể nghi ngờ. Thuyết phục được bà L. tin rằng họ
là công an thật, nhóm lừa đảo yêu cầu bà khai báo tất cả số tài khoản ở
các ngân hàng, số tiền hiện có và cả tài sản trong nhà có những gì giá
trị để họ “xác minh nguồn gốc tài khoản có phải do rửa tiền mà có hay
không”. Bà L. khai báo bà có 300 triệu đồng trong tài khoản của Ngân
hàng ACB thì nhóm lừa đảo yêu cầu bà ra ngân hàng chuyển vào tài khoản
của cơ quan điều tra để xác minh, nếu không phải tiền từ tổ chức tội
phạm sẽ được trả lại ngay, trong vòng 2-24 giờ.
Bà L. nghĩ “cây ngay không sợ chết đứng” nên đã tới
ngân hàng chuyển tiền theo yêu cầu của nhóm lừa đảo... Sau khi bà L.
chuyển tiền, các đối tượng vẫn giữ liên lạc và thông báo một phần số
tiền này trùng với số thời điểm giao dịch của khoản tiền mấy chục tỉ
đồng nói trên, rồi đề nghị bà L. khai báo các số tài khoản còn lại và
tài sản trong nhà. Bà L. khai còn 60 triệu đồng trong một tài khoản khác
thì nhóm lừa đảo yêu cầu bà phải rút hết, chuyển vào tài khoản cho
chúng để “điều tra”. “Lúc này tôi mới thật sự tỉnh, biết mình bị lừa vì
số tiền này là tiền tôi tiết kiệm bao lâu nay, có giao dịch gì đâu” - bà
L. chua chát kể. Sau đó bà L. đi trình báo công an.
Tương tự trường hợp của bà L., nhiều giáo viên, bác sĩ,
nhà báo cũng trở thành nạn nhân của chiêu lừa trên. Trong đó có người
bị lừa vài chục triệu, người bị lừa vài trăm triệu, số ít trường hợp kịp
tỉnh ra khi chưa chuyển tiền cho nhóm lừa đảo.
Không nên tin lời nói qua điện thoại
Thời gian qua, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật
tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) Công an TP.HCM đã bắt giữ nhiều
đối tượng trong các đường dây lừa đảo xuyên quốc gia bằng hình thức lừa
thông báo nợ cước điện thoại.
Thượng tá Cao Xuân Lợi, phó thủ trưởng Cơ quan cảnh sát
điều tra Công an TP.HCM, khẳng định: khi cơ quan điều tra có nghi vấn,
cần người có liên quan hợp tác điều tra thì phải có giấy mời, giấy triệu
tập gửi qua cảnh sát khu vực nơi người đó cư trú để mời tới trụ sở công
an xã, phường hoặc trụ sở cơ quan điều tra làm việc. Không có chuyện cơ
quan điều tra làm việc qua điện thoại, càng không có việc yêu cầu người
dân chuyển tiền của mình vào tài khoản của người khác. “Mọi quyết định
xử lý tài sản, vật chứng, tiền bạc hoặc tài sản thu giữ của các bị can
đều phải có các quyết định, có lệnh của cơ quan chức năng” - ông Lợi
nói.
Ông Lợi lưu ý người dân nếu nhận được điện thoại thông
báo như những trường hợp vừa nêu, người dân có thể cứ giữ liên lạc với
nhóm lừa đảo, đồng thời báo cho công an nơi gần nhất hoặc báo cho Cơ
quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM (số điện thoại
083.8640508, gặp điều tra viên Trần Ngọc Ẩn) để trình báo.
GIA MINH
Khi kẻ lừa đảo dùng kỹ thuật cao
Thượng tá Cao Xuân Lợi cho biết hầu hết nạn nhân trình
báo việc các nhóm lừa đảo cho số điện thoại của Bộ Công an, Công an Hà
Nội hoặc công an một tỉnh, thành phố nào đó để nạn nhân kiểm tra qua đài
1080, xác nhận đúng số điện thoại đó là của công an. Số máy mà các đối
tượng gọi tới cũng hiển thị đúng số điện thoại của cơ quan công an khiến
các nạn nhân tin tưởng, làm theo chỉ dẫn và cuối cùng chuyển tiền vào
tài khoản của nhóm lừa đảo.
Theo ông Lợi, việc này là do các nhóm lừa đảo sử dụng
các biện pháp kỹ thuật cao, tấn công đánh lừa hệ thống máy móc để cài
đặt hiển thị số máy gọi tới như ý muốn của họ. “Các đối tượng hầu hết là
ở nước ngoài gọi về, có khi hiển thị đúng số của đơn vị công an nào đó,
cũng có khi hiển thị đầu số lạ hoặc không hiển thị số. Do đó, người dân
cần hết sức cảnh giác khi nhận được điện thoại thông báo các trường hợp
nợ cước điện thoại, điện tiêu dùng hay các dịch vụ khác.
|
Không dễ ngăn chặn giả mạo số điện thoại
Chuyên gia Võ Đình Bảo Quốc, phó tổng giám đốc Công ty
Wada, cho rằng những kẻ lừa đảo đã khai thác tối đa hình thức gọi điện
qua giao thức Internet (Voip) để giả mạo số điện thoại. Hình thức gọi
Voip cho phép người gọi có thể dùng các công cụ kỹ thuật chèn các dãy ký
tự hoặc số đại diện cho bên gọi đến. Khi đó số hiển thị trên máy điện
thoại người bị gọi có thể là bất kỳ số nào theo ý muốn của người gọi.
Người dùng di động chỉ nhìn thấy số hiển thị trên màn hình điện thoại và
chắc chắn không thể biết được là số giả mạo.
Theo ghi nhận của chúng tôi, trước đây từng xảy ra
nhiều vụ việc liên quan đến vấn nạn giả mạo số điện thoại (chủ yếu phục
vụ các mục đích xấu) như: phần mềm giả mạo số điện thoại bất kỳ, trò lừa
đảo mạo danh số điện thoại tổng đài mạng di động... Những hình thức này
đều xuất phát từ các cuộc gọi, nhắn tin qua giao thức Internet. Các
mạng di động cũng đã có biện pháp ngăn chặn nhưng không triệt để. Về cơ
bản, nhà mạng phải tùy từng trường hợp để truy tìm ra địa chỉ Internet
đã thực hiện hành vi mạo danh số điện thoại, từ đó mới có biện pháp ngăn
chặn cụ thể.
Đức Thiện
Comments[ 0 ]
Post a Comment