Thời gian gần đây, có nhiều người đã tìm đến cái chết, gây ra thảm cảnh
đối với người thân và đối với chính mạng sống của mình, nguyên nhân là
do nợ nần, do chịu áp lực khủng khiếp từ sự đe dọa của các đối tượng đòi
nợ thuê.
Điều đó không chỉ cho thấy sự coi thường pháp luật của các đối tượng
đòi nợ thuê mà ở một khía cạnh khác còn cho thấy những người dân đã
không biết rằng mình cũng là đối tượng được pháp luật bảo vệ.
Họ không trình báo cơ quan chức năng, thường tự giải quyết khi bị đe
dọa, đến khi bị dồn đến bước đường cùng thì thảm cảnh đã xảy ra.
Ảnh: Internet
Trả nợ bằng sinh mạng
Mới đây, ngày 7-3-2013, Lê Thành Trung (nhân viên Ngân hàng TMCP Kiên
Long, chi nhánh tỉnh Tiền Giang) đã giết chết vợ đang mang thai và đứa
con trai 7 tuổi rồi treo cổ tự tử. Trong căn nhà xảy ra án mạng, có 7
bức thư tuyệt mệnh do Trung viết với nội dung thư là do Trung làm ăn
thua lỗ, nợ nần chồng chất nên giết vợ con rồi treo cổ tự tử để được
giải thoát.
Vào lúc 8h ngày 17-3-2013, người dân địa phương cũng phát hiện một nữ
giáo viên dạy môn Anh văn đã treo cổ tự tử và con gái cô cũng tắt thở
tại ngôi nhà ở phố Đặng Thái Thân (P. Tân Thành, TP Buôn Ma Thuột, Đắk
Lắk). Một giáo viên dạy cùng trường cho biết, trước khi tự sát, cô giáo
này có viết một bức thư với nội dung xin mọi người xóa nợ cho mình và
nhờ nhà trường lo hậu sự.
Vào 19h30’ ngày 18-3-2013, Đoàn Ngọc Sang (33 tuổi, trú tại phường An
Hải Đông, quận Sơn Trà, Đà Nẵng) đã tự sát trên đường sắt vì không có
tiền trả nợ. Nhiều người kể lại, trên bàn tay còn giắt lại trong đường
ray của Sang là những tờ giấy tờ vay nợ, giấy cầm đồ…
Tất cả đều vì áp lực ghê ghớm của: Nợ!
Áp lực từ tín dụng đen
Nợ chồng lên nợ, bị các ngân hàng thúc ép, các con nợ tính cách vay
tín dụng đen, cuối cùng lãi mẹ đẻ lãi con và trở thành nạn nhân của tín
dụng đen. Lãi suất của tín dụng đen, thấp thì cũng 60%/ năm và cao có
khi là lãi ngày 1% tính ra là 30%/ tháng, 360%/ năm. Không có khả năng
thanh toán, các con nợ chìm trong vòng xoáy bi kịch của tín dụng đen và
phải đối mặt với đám đòi nợ thuê.
Áp lực khủng khiếp nhất mà con nợ phải chịu đựng là từ phía chủ nợ
thông qua đội ngũ đòi nợ thuê. Dư luận không quên hàng loạt vụ đòi nợ
thuê xông vào nhà chém con nợ hoặc bắt cóc con nợ, tra tấn, bắt người
nhà mang tiền đến mới thả đã diễn ra vào cuối năm 2012. Một con nợ đất
Hà Thành kể cho tôi nghe anh ta đã bị một chủ nợ dẫn ra bờ ao, chỉ tay
vào một vại ngâm hàng chục con chuột chết, giòi bọ nhung nhúc và hỏi:
“Muốn trả nợ hay muốn cả cái vại này đổ vào nhà bố mẹ mày”. Lo sợ cho bố
mẹ già tuổi cao sức yếu, hôm sau anh giao ngôi nhà đang ở cho chủ nợ và
lưu lạc. Thực tế đã có những vụ án, do con nợ nần, các đối tượng đòi nợ
thuê gây sức ép, đe dọa bố mẹ con nợ, cho người canh gác nhà bố mẹ con
nợ 24/24 khiến cho cha mẹ con nợ vì phẫn uất mà thắt cổ tự tử.
Phân tích từ những băng nhóm, đối tượng liên quan đến “tín dụng đen”
từng bị xử lý, dễ nhận thấy hoạt động trong lĩnh vực này thường là những
đối tượng có tiền án, tiền sự, côn đồ, sẵn sàng dùng các thủ đoạn trái
pháp luật với con nợ và gia đình họ để thu hồi các khoản tiền lãi cắt cổ
và nợ gốc. Đối tượng cho vay luôn lợi dụng chuyển hóa việc vay nợ bằng
phương thức mua bán, thế chấp tài sản có giá trị (như nhà đất, ô tô) với
giá thấp có công chứng, sau đó buộc con nợ phải làm thủ tục bán cho đối
tượng nhằm hợp pháp hóa việc cho vay. Đến kỳ hạn mà không thanh toán,
chủ nợ sẽ có “biện pháp mạnh” uy hiếp con nợ phải trả tiền lãi, gốc,
thậm chí bắt giữ trái pháp luật, sát hại nếu con nợ không trả tiền.
Thực tế, qua các vụ đòi nợ thuê cũng cho thấy, có rất nhiều vụ, con
nợ vì bị các đối tượng đòi nợ thuê đe dọa, uy hiếp nên không dám báo
công an. Mặt khác ngay chính các con nợ cũng đang rơi vào tình trạng vi
phạm pháp luật nên không trình báo cơ quan công an. Biết được điều đó,
đám đòi nợ thuê càng lấn lướt coi thường pháp luật. Và cũng từ đòi nợ
thuê, tín dụng đen mà phát sinh ra nhiều loại tội phạm khác. Chính vì
vậy, cần có những biện pháp tuyên truyền người dân biết các thủ đoạn
siết nợ, biến tướng từ tín dụng đen đồng thời khi trở thành nạn nhân của
tín dụng đen, cần phải nhanh chóng trình báo với chính quyền cũng như
cơ quan công an để có những biện pháp ngăn chặn tránh để hậu quả xấu xảy
ra.
Cần có những biện pháp kịp thời
Tín dụng đen đã tạo ra những mầm mống của sự mất trật tự an toàn xã
hội. Đã có quá nhiều thảm cảnh xảy ra. Đối với loại tội phạm đòi nợ
thuê, lực lượng công an gần đây làm rất mạnh, số vụ án liên quan đến tín
dụng đen, đòi nợ thuê có phần giảm đi nhưng vẫn còn tiềm ẩn nhiều phức
tạp. Song, bên cạnh việc cơ quan công an tăng cường công tác nắm tình
hình, kịp thời phát hiện, điều tra xử lý nghiêm các vụ vi phạm về “tín
dụng đen”, các vụ đòi nợ, siết nợ thuê trái pháp luật nhằm răn đe tội
phạm thì vấn đề đặt ra là cần có những biện pháp để quản lý chặt các tổ
chức kinh doanh tiền tệ dưới các dạng biến tướng, “siết cổ” những người
đi vay. Về phía các ngân hàng cũng cần tạo điều kiện để người dân có thể
tiếp cận được nguồn vốn một cách thuận lợi khi có nhu cầu về vốn vì
nhiều khi các đối tượng tín dụng đen vay ngân hàng lại dễ hơn người dân
có nhu cầu thực sự. Các cơ quan xét xử cần xử lý nghiêm và trừng trị
trước pháp luật các đối tượng đòi nợ thuê trái pháp luật. Đối với những
vụ án liên quan đến đòi nợ thuê, tín dụng đen cần xét xử lưu động. Một
mặt để người dân hiểu rằng cho dù là con nợ cũng được pháp luật bảo vệ,
đồng thời để răn đe các đối tượng phạm pháp.
LS Hoàng Văn Doãn (Văn phòng luật sư Hoàng Hưng): Việc đe dọa tính
mạng và thân thể, làm nhục con nợ và gia đình con nợ là vi phạm pháp
luật theo điều Điều 103 Bộ Luật Hình sự. Theo điều luật này: Người nào
đe doạ giết người, nếu có căn cứ làm cho người bị đe dọa lo sợ rằng việc
đe doạ này sẽ được thực hiện, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến
hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm. Phạm tội thuộc một trong
các trường hợp nghiêm trọng thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm. Nếu
các chủ nợ thuê, hoặc tự mình gây thương tích cho con nợ thì vi phạm
điều 104 Bộ Luật Hình sự: Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho
sức khoẻ của người khác, theo đó: Người nào cố ý gây thương tích hoặc
gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, tùy mức độ có thể bị phạt cải
tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm,
trường hợp gây thương tích nghiêm trọng có thể bị phạt tù từ hai năm đến
bảy năm, làm chết người có thể bị phạt đến tử hình.
Trên tinh thần đó các con nợ luôn luôn được pháp luật bảo vệ. Nếu các
con nợ bị đe dọa nên báo ngay cho cơ quan công an gần nhất để được trợ
giúp
Luật sư Phạm Hồng Sơn (Đoàn Luật sư Hà Nội): Các chủ nợ không có
quyền làm nhục các con nợ. Điều 121 Bộ luật Hình sự quy định về Tội làm
nhục người khác, theo đó: Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm,
danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến
hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm. Phạm tội thuộc trong các
trường hợp nghiêm trọng có thể bị phạt tù từ một năm đến ba năm.
Theo Lương Nga
An ninh thủ đô
Comments[ 0 ]
Post a Comment