Càphê “đểu” tràn lan trên thị trường, song các cơ quan quản lý ở thủ phủ
càphê Đắk Lắk chủ yếu chỉ kiểm tra độ ẩm, hàm lượng caffeine trong sản
phẩm có đúng với thông tin trên bao bì hay không. Còn các chất độn, phụ
gia, hóa chất là những chất gì, hàm lượng bao nhiêu, tác hại đến sức
khỏe người tiêu dùng như thế nào thì cơ quan chức năng vẫn... bó tay.
Tù mù về mức độ độc hại
Từ năm 2011, Hội Bảo vệ người tiêu dùng và Sở KHCN tỉnh Đắk Lắk đã
thực hiện 1 đề tài khoa học, khảo sát chất lượng càphê bột sản xuất và
lưu thông trên địa bàn Đắk Lắk, kết quả đưa ra thật đáng giật mình.
Kết quả nghiên cứu trên 27 mẫu càphê bột và càphê hòa tan ở 30 cơ sở
sản xuất cho thấy, ngoài nguyên liệu càphê nhân, có 73,3% số cơ sở dùng
thêm đậu nành, 46,7% số cơ sở dùng thêm bắp, 6,7% dùng thêm đậu đỏ.
Kết quả khảo sát cũng cho thấy, về phụ gia thực phẩm sử dụng cho chế
biến càphê, có 80% số cơ sở dùng caramel, 63,3% dùng tinh hoặc hương
càphê, 60% dùng bột vani; 96,7% số cơ sở dùng bơ các loại, 86,7% có dùng
rượu, 3,3% số cơ sở dùng nước mắm... Theo bà Nguyễn Thị Phương Lan -
Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Đắk Lắk - đề tài nghiên
cứu đã hoàn thành hơn 1 năm nay, nhiều lần tổ chức hội thảo, tuy nhiên
đến nay chưa được công bố.
Thế nhưng, các cơ quan quản lý nhà nước về chất lượng càphê ở thủ phủ
càphê Đắk Lắk thì không thể biết các thành phần chính trong sản phẩm
càphê bột là gì? Bác sĩ Trần Văn Tiết - Phó Chi cục trưởng Chi cục An
toàn vệ sinh thực phẩm, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk - cho biết: “Chất lượng các
sản phẩm thức ăn, uống nói chung, trong đó có càphê là do chủ đơn vị
sản xuất, chế biến tự đăng ký, công bố chất lượng và chịu trách nhiệm
trước pháp luật.
Khi đưa sản phẩm ra thị trường, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm
kiểm định mẫu, cấp giấy chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm hợp quy. Việc các
sản phẩm càphê không đảm bảo chất lượng, chỉ được phát hiện khi có các
đoàn kiểm tra, lấy mẫu phân tích thì mới biết được.
Tuy nhiên, tỉ lệ càphê nhiều hay ít, các thành phần còn lại gồm những
chất độn gì thì gần như không được kiểm tra, bóc tách để phân biệt. Cơ
quan kiểm tra chất lượng càphê chỉ giám sát độ ẩm và hàm lượng caffeine
thôi. Kể cả hàm lượng caffeine trong các mẫu sản phẩm, cơ quan kiểm tra
cũng không tách biệt được là từ tinh càphê hay từ càphê nhân”.
Rõ ràng, nếu chỉ phạt vì độ ẩm, hàm lượng caffeine không đúng với
thông tin công bố trên bao bì là chưa đủ. Bởi những chất độn, phụ gia,
hóa chất này là gì, có tác hại đến sức khỏe người tiêu dùng ra sao mới
là vấn đề quan trọng hơn.
Màu đen, vị đắng, nước sánh, đặc, hương thơm càphê... có được là nhờ những phụ gia này. Ảnh: T.Hải
Không ai chịu trách nhiệm
Ông Nguyễn Minh Tặng - Phó chánh Thanh tra sở NNPTNT Đắk Lắk - giải
thích thêm về công tác quản lý nhà nước: “Từ xưa nay, việc quản lý, kiểm
tra, công nhận hoặc xử phạt các sản phẩm thực phẩm đều do Chi cục An
toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh chủ trì. Các đơn vị như quản lý thị trường,
thanh tra ngành nông nghiệp... chỉ tham gia đoàn liên ngành.
Chỉ từ năm 2012, chức năng kiểm tra, quản lý chất lượng đối với sản
phẩm nông - lâm thủy sản mới được giao cho Chi cục Quản lý chất lượng
nông - lâm thủy sản thuộc Sở NNPTNT quản lý”. Nhưng cũng theo ông Tặng,
sản phẩm từ ruộng về tới bếp, chế biến ra thức ăn là do ngành nông
nghiệp chịu trách nhiệm. Từ bếp, thực phẩm ra thị trường là do ngành
công thương quản lý. Còn khi lên bàn ăn thì trách nhiệm thuộc về ngành y
tế.
Như vậy, chức năng quản lý của các ngành, đơn vị còn chồng chéo, chưa
phân định trách nhiệm rạch ròi, nên chất lượng sản phẩm gần như không
thể kiểm soát nổi. Ông Tặng minh chứng, hầu hết các quyết định xử phạt
tiền, buộc tiêu hủy, tái chế các sản phẩm càphê không đạt chất lượng sau
đợt kiểm tra đầu năm 2013 đều do Thanh tra Sở NNPTNT ký. Nhưng thanh
tra sở không biết cụ thể là họ vi phạm gì, bởi việc kiểm tra, lấy mẫu
phân tích, kết luận... đều do Chi cục Quản lý chất lượng nông - lâm thủy
sản thực hiện.
Nói cách khác là một đơn vị đi kiểm tra, đem biên bản về cho một đơn
vị ngồi ở nhà làm quyết định xử phạt. Nếu không phục, cơ sở bị xử phạt
khiếu nại thanh tra sở, trong khi thanh tra sở lại không trực tiếp đi
làm.
Ngay những “ông chủ” cơ sở sản xuất, chế biến càphê bột - người đứng
ra công bố chất lượng, chịu trách nhiệm pháp lý về chất lượng sản phẩm -
cũng tù mù về các thành phần độc hại trong sản phẩm của mình. Nguyễn
Văn Lâm - chủ cơ sở chế biến càphê mang thương hiệu Nguyên Lâm - cho
biết, chúng tôi chỉ rang, trộn các loại phụ gia, chất độn theo kinh
nghiệm. Máy rang thủ công không thể đo được nhiệt độ, không kiểm soát
được độ cháy, hóa than.
Ngay các thành phần độc tố như Asen, thủy ngân, than... có trong
càphê, sinh ra trong quá trình nào? Chiếm hàm lượng bao nhiêu thì Lâm
đều không biết: “Cái đó em chép trong mẫu đăng ký tiêu chuẩn chất lượng
của ngành y tế. Cơ quan chức năng cũng chỉ kiểm tra độ ẩm và hàm lượng
caffeine thôi”...
Theo Nhóm PV (Báo Lao động)
Comments[ 0 ]
Post a Comment