Trước bức xúc của các doanh nghiệp xuất khẩu nông, lâm, thủy - hải sản về Công văn 7527 (Thanh Niên
đã có nhiều bài phản ánh), Bộ Tài chính đang đưa ra dự thảo để lấy ý
kiến hướng dẫn bổ sung công văn này. Nhưng theo nhiều doanh nghiệp, Bộ
đang sửa cái sai này lại dẫn đến cái sai khác.
Xử ép doanh nghiệp vừa và nhỏ
Theo công văn dự thảo, doanh nghiệp (DN) thuộc danh sách “DN xuất
khẩu uy tín” năm 2013 được hoàn thuế trước, kiểm tra sau. Đối với các DN
xuất khẩu nông, lâm, thủy, hải sản có vốn chủ sở hữu từ 30 tỉ đồng trở
lên; đã hoạt động sản xuất, kinh doanh từ 3 năm trở lên; có kim ngạch
xuất khẩu của năm liền kề trước năm phát sinh hồ sơ hoàn thuế từ 10
triệu USD trở lên... được hoàn thuế trước, kiểm tra sau.
Luật sư Trần Xoa - Giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang nhận xét:
“Theo như dự thảo này, Bộ Tài chính đã bổ sung thêm 3 trường hợp phải
kiểm tra trước hoàn thuế sau ngoài 7 trường hợp đã được quy định tại
điều 60 luật Quản lý thuế. Đó là DN có vốn chủ sở hữu dưới 30 tỉ đồng;
hoạt động sản xuất kinh doanh dưới 3 năm; có kim ngạch xuất khẩu của năm
liền kề trước năm phát sinh hồ sơ hoàn thuế dưới 10 triệu USD. Hay nói
cách khác, 3 trường hợp này là cụ thể hóa các trường hợp nêu chung chung
của Công văn 7527, chứ không sửa Công văn 7527 một cách triệt để. Bởi,
số lượng DN có kim ngạch xuất khẩu của năm liền kề trước năm phát sinh
hồ sơ hoàn thuế đủ điều kiện để được hoàn trước như dự thảo công văn
không nhiều bằng số lượng DN không đủ điều kiện. Như vậy cũng chỉ giải
quyết cho số ít DN, còn số nhiều DN vẫn bị cản trở việc hoàn thuế hợp lệ
một cách trái luật”.
Một DN vừa và nhỏ hoạt động trong xuất khẩu tiêu bức xúc, Công văn
7527 đã sai với luật thì nay dự thảo công văn để sửa lại càng “lún” vào
sai. Vị giám đốc công ty này phân tích, dự thảo này sẽ đẩy những DN vừa
và nhỏ (có vốn chủ sở hữu dưới 30 tỉ đồng) đã khó khăn lại càng khó khăn
hơn. DN nhỏ nhưng thực hiện, chấp hành tốt nghĩa vụ thuế thì sao lại bị
xếp vào trường hợp kiểm trước hoàn sau? Ngay trong điều kiện xếp loại
DN xuất khẩu uy tín năm 2013 của Bộ Công thương, các DN có kim ngạch
xuất khẩu năm 2012 các mặt hàng đạt mức tối thiểu từ 1 - 20 triệu USD.
Chẳng hạn DN xuất khẩu chè các loại là 1 triệu USD, hạt tiêu 4 triệu
USD, hạt điều 6 triệu USD, sản phẩm gỗ 8 triệu USD... Thế nhưng điều
kiện mà dự thảo lại đưa ra trên 10 triệu USD mới được hoàn trước, kiểm
sau. Như vậy chỉ có DN lớn được ưu ái, còn DN vừa và nhỏ thì bị xử ép.
"Bắt" không đúng đối tượng
Giám đốc một công ty xuất khẩu hàng nông sản với thâm niên hoạt động
20 năm nhận xét, Công văn 7527 là để hạn chế tình trạng gian lận, chiếm
đoạt tiền thuế GTGT, gây thất thu ngân sách. Thế nhưng lại “bắt” không
trúng người mà chỉ gây khó khăn cho các DN xuất khẩu. Vị này chỉ ra 2
dạng chiếm đoạt thuế GTGT. Trường hợp thứ nhất là DN chiếm đoạt tiền
thuế GTGT được hoàn trực tiếp trong xuất khẩu bằng cách giả mạo chứng từ
đầu vào và đầu ra nhưng thực chất là không xuất khẩu hàng. Trường hợp
thứ hai là lập công ty mới, tự in hóa đơn GTGT và cung cấp cho DN nội
địa để khấu trừ đầu vào, sau đó bỏ trốn. Thực tế, việc chiếm đoạt chủ
yếu xảy ra ở thuế GTGT nội địa. Việc Bộ Tài chính cần làm là “bắt” những
kẻ cung cấp hóa đơn giả, quản lý việc in hóa đơn chặt chẽ hơn.
Dự thảo cũng nhắc đến trường hợp kiểm tra trước, hoàn thuế sau, cơ
quan thuế thực hiện hoàn trong vòng 40 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ
hoàn thuế hợp lệ. Đến hạn giải quyết hồ sơ nhưng chưa có kết quả xác
minh về kê khai nộp thuế GTGT của các khâu trung gian thì vẫn hoàn thuế
theo quy định cho DN và tổ chức kiểm tra, xác minh sau. Cục trưởng Cục
Thuế chịu trách nhiệm ra quyết định hoàn thuế GTGT. Luật sư Trần Xoa cho
rằng, dự thảo cần quy định cụ thể việc kiểm tra, xác minh sau các hồ sơ
này (đã thực hiện kiểm tra 40 ngày trước đó) sẽ kiểm tra lại hồ sơ hoàn
thuế hay kiểm tra DN, và theo quy trình nào, căn cứ theo điểm nào của
quy định để cơ quan thuế có thể thực hiện và DN biết.
Thanh Xuân
Comments[ 0 ]
Post a Comment