Tại thị trường Mỹ, ngày 16/4, giá dầu thô sụt xuống mức 87,6
USD/thùng. Đây là mức giá thấp nhất trong vòng 4 tháng qua. Lần đầu
tiên kể từ tháng 7-2012, giá dầu Brent biển Bắc về dưới mức 100
USD/thùng. Tại Singapore, từ ngày 4/4 đến nay,
giá xăng
A92 chỉ giao dịch trong khoảng 108,44 - 114,13 USD/thùng, giảm mạnh so
với đầu tháng 3-2013. Chốt phiên giao dịch ngày 16/4, giá xăng tại thị
trường này giảm còn 104,93 USD/thùng, dầu thô còn 88,72 USD/thùng. Đây
là mức thấp kỷ lục trong nhiều tháng nay.
Doanh nghiệp lãi cả ngàn đồng/lít xăng
Do giá xăng dầu thế giới giảm mạnh nên giá cơ sở để làm tham chiếu
cho giá bán lẻ xăng dầu trong nước cũng giảm mạnh theo. Theo tính toán,
giá cơ sở trung bình 30 ngày (từ ngày 14/3 đến 12/4) của mặt hàng xăng
A92 chỉ khoảng 23.850 đồng/lít, so với giá bán lẻ hiện nay, doanh nghiệp
(DN) lãi được 200 đồng/lít. Nếu cộng cả khoản lợi nhuận định mức 300
đồng/lít thì các DN đầu mối đã lãi đến 500 đồng/lít. Tuy nhiên, theo một
tính toán khác, với giá trung bình của 10 ngày trở lại đây, các DN đầu
mối đã lãi đến 1.000 đồng/lít đối với xăng và 500 đồng/lít đối với dầu.
Theo dự báo của giới chuyên môn, giá xăng dầu trong nước có khả năng
giảm vào cuối tuần này hoặc đầu tuần sau để đủ thời gian dãn cách tối
thiểu 10 ngày giữa 2 lần điều chỉnh giá ra thị trường theo Nghị định
84. Cũng có khả năng cơ quan quản lý sẽ tăng thuế nhập khẩu xăng dầu
(mức hiện hành là 12%)...
Khách hàng đổ xăng tại một cửa hàng ở TPHCM. Giá xăng dầu thế giới giảm mạnh nhưng trong nước vẫn đứng ở mức cao. Ảnh: TẤN THẠNH
Tuy nhiên, trao đổi với chúng tôi qua điện thoại, ông Trần Ngọc Năm,
Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), cho biết vẫn
đang theo dõi diễn biến giá xăng dầu thế giới và chưa tính hướng tăng -
giảm thế nào và trên tinh thần là tuân thủ theo điều hành chung của
Chính phủ, liên bộ Tài chính - Công Thương.
Cần có chế tài buộc giảm giá
Trước sự chậm trễ giảm giá xăng dầu trong nước khi giá xăng dầu thế
giới đã giảm mạnh, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng bất cứ khi
nào giá cơ sở tính toán so với giá bán hiện hành có chênh lệch thì phải
gấp rút giảm giá. “Cơ quan chức năng cần phải theo dõi sát diễn biến giá
thế giới chứ không nên đợi DN đề xuất giảm, chờ đợi như thế là thụ
động” - ông Long nói.
Chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Minh Phong cho rằng hiện nay giảm giá
hay tăng giá đều được cơ quan quản lý quyết định dựa trên những đề xuất
của DN và như thế là không hợp lý. Theo ông Phong, khó hy vọng DN chủ
động đề xuất giảm giá nếu không có chế tài bắt buộc họ phải giảm ngay
mỗi khi giá xăng dầu thế giới giảm. Sắp tới, cần phải có chế tài bổ
sung quy định bắt buộc DN phải giảm giá, nếu không các DN sẽ vin vào
nhiều lý do để trì hoãn giảm giá.
Một số chuyên gia kinh tế cho rằng việc giảm giá phải làm thế nào
để hợp lý và công bằng với người tiêu dùng. Nếu đặt vấn đề không nên
đợi đến đúng thời hạn dãn cách 10 ngày mới giảm giá là chưa hợp lý trong
thời điểm này vì nếu giảm giá trước khoảng thời gian dãn cách 10 ngày
thì khi xăng dầu thế giới tăng giá, DN sẽ có cớ đòi tăng giá trước thời
hạn.
Cân nhắc điều hành giá bằng công cụ thuế
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi
Lan nêu quan điểm về điều hành giá trong thời gian tới đây là mặc dù
ngân sách đang vô cùng khó khăn nhưng không nên để thuế trở thành gánh
nặng đối với người tiêu dùng. “Đánh thuế DN xăng dầu thì tất cả sẽ tính
vào giá thành và người dân phải gánh chịu nên cần phải cân nhắc khả
năng điều hành giá bằng công cụ thuế trong thời điểm này” - bà Phạm Chi
Lan nói.
|
Comments[ 0 ]
Post a Comment