Nhiều tháng nay không được nhận đồng lương nào từ công
ty, khả năng tìm việc mới mờ mịt, chị Quỳnh dự định về quê làm công
nhân. Chị tốt nghiệp một trường đại học ngành xây dựng và đã có kinh
nghiệm 3 năm.
> Lương tối thiểu chưa bằng nửa mức sống
4 tháng trước chị Quỳnh (Hà Đông, Hà Nội) mới tìm được
một công việc mới sau gần một năm thất nghiệp. Tuy nhiên, công ty mới
cũng chậm lương 3 tháng nay khiến chị chẳng những không dành dụm được
đồng nào gửi về quê nuôi con mà cuộc sống của bản thân cũng hết sức chật
vật. Là dân công trình nên cũng gần một năm nay, thu nhập của chồng chị
Quỳnh cũng không ổn định.
Hơn một năm chật vật với bài toán xin việc và thu nhập
để tồn tại ở Hà Nội, chị Quỳnh chia sẻ, giờ đây cảm thấy rất mệt mỏi và
bế tắc. Vì thế, chị quyết định nộp một số hồ sơ xin về quê, trong đó có
cả việc làm công nhân ở một khu công nghiệp gần nhà.
"Làm công nhân ở quê, lương chỉ trên dưới 3 triệu
nhưng không mất tiền thuê nhà, chi tiêu lại rẻ hơn và được ở gần con.
Làm một thời gian cố gắng biết đâu lại được lên làm quản lý. Mình đã tốt
nghiệp đại học nên chắc cũng có cơ hội hơn", chị Quỳnh thở dài.
|
Có những cử nhân đại học đã có dự định về quê đi làm công nhân. Ảnh: Hoàng Hà |
Làm việc tại một công ty tư nhân tại Hà Nội, chị Thoa,
đang ở trọ khu vực Từ Liêm cho biết cũng bị nợ lương suốt từ tháng
9/2012. Tết Nguyên đán vừa rồi, công ty ứng cho 3 triệu đồng. Từ sau
Tết, chị Thoa không được trả thêm đồng nào.
"Thời buổi khó khăn thế này, để tìm được một công việc
mới cũng không đơn giản. Mấy nơi mình đi phỏng vấn, nhân viên ở đó cũng
kêu công ty nợ lương", chị Thoa nói.
Anh Tiến, chồng chị Thoa cũng bị cắt giảm một nửa
lương, chỉ còn 5 triệu đồng mỗi tháng. Để có tiền trang trải sinh hoạt,
chị làm thêm công việc bán hàng qua mạng, anh thì giao hàng cho vợ, kiêm
thêm nghề xe ôm. Việc bán hàng cũng không mấy suôn sẻ nên dù có chi ly
từng đồng, 2 vợ chồng chị vẫn chẳng đủ tiêu. Quá khó khăn nên chị Thoa
dự định tháng sau sẽ về quê xoay sở xin việc, còn anh Tiến thuê căn nhà
nhỏ hơn ở cùng mấy người bạn để giảm chi phí.
"Ở quê cũng chẳng dễ dàng gì để tìm công việc mới
nhưng các khoản chi tiêu cũng đỡ tốn kém hơn. Nếu mình xin được việc ở
quê thì một thời gian nữa chồng mình cũng tính chuyện rời Hà Nội", chị
Thoa nói.
Vẫn cố bám trụ thành phố, nhưng hiện cuộc sống hai vợ
chồng chị Minh, Cổ Nhuế, Từ Liêm cũng không mấy sáng sủa. Chị tốt nghiệp
một trường đại học ngành kinh tế. Anh Khoa - chồng chị có trong tay tấm
bằng kỹ sư. Trước đây, chị đi làm cho một doanh nghiệp tư nhân nhưng
khi sinh con vào giữa năm ngoái, công ty kêu khó khăn muốn cắt giảm biên
chế nên buộc chị nghỉ. Cuộc sống gia đình chủ yếu trông cậy vào lương
của anh Khoa, tuy nhiên, công ty cũng nợ lương suốt nửa năm nay, mỗi
tháng chỉ có thể được ứng 1-2 triệu đồng.
Để có tiền trang trải, chị làm thêm sổ sách kế toán
tại nhà, bán hàng quần áo qua mạng... Thu nhập rất thất thường và cũng
không đáng kể.
"Không chỉ khó khăn về mặt tài chính mà điều nặng nề
hơn với vợ chồng mình còn chịu áp lực từ phía 2 bên gia đình. Mọi người
suốt ngày đàm tiếu là sao tốt nghiệp đại học mà giờ lại đi bán hàng.
Nhiều lúc không dám về quê nữa", chị Minh thở dài.
Tình trạng doanh nghiệp nợ lương của người lao động từ
lâu không còn là câu chuyện mới. Tuy nhiên, nếu như trước đó, nhiều
tình trạng này chỉ xảy ra ở một số ngành nghề như xây dựng, chứng
khoán... thì gần đây, các lĩnh vực khác cũng không ngoại lệ. Thời gian
nợ lương của các doanh nghiệp cũng kéo dài tới hàng năm.
Theo báo cáo của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội,
tính đến cuối năm 2012, cả nước có hơn 10.000 lao động đang bị nợ lương.
Tổng số tiền nợ lương hiện nay lên tới hơn 70,7 tỷ đồng. Trong đó, nhóm
doanh nghiệp dân doanh nợ nhiều nhất với 50,5 tỷ đồng.
Ngọc Minh
Comments[ 0 ]
Post a Comment