Mặc dù ngành CNTT đang rất khan hiếm nhân lực, một bộ
phận sinh viên theo học ngành này vẫn băn khoăn không rõ học xong mình
sẽ làm gì, một số lại cho rằng CNTT làm việc vất vả, lương thấp…
|
Sinh viên CNTT nên trau dồi thêm ngoại ngữ, kỹ năng mềm để tăng khả năng thành công trong nghề. Ảnh: Chungta.vn. |
Đây là những ý kiến được các độc giả trực tiếp chia sẻ với VnExpress và trao đổi trên một số diễn đàn.
Nguyễn
Thanh Thảo, sinh viên năm thứ hai Đại học Nha Trang, cho biết vẫn chưa
xác định được sau này sẽ làm phân ngành gì cho phù hợp với nữ. Nếu làm
quản lý hệ thống thông tin cần bắt đầu từ đâu. Đoàn Công Chánh, sinh
viên trường Cao đẳng Kinh tế kỹ thuật Phú Lâm, đang học ngành mạng băn
khoăn không biết ra trường có xin được việc làm không, “để chuẩn bị xin
việc, em cần làm gì từ bây giờ”. Huỳnh Thị Hữu Nụ cho rằng, khi theo
nghề CNTT mà muốn đi làm được thì phải bỏ tiền đi học một khóa ở ngoài
nữa để có thêm các chứng chỉ như Aptech, NIIT và không biết lấy đâu ra
tiền để theo. Thậm chí, có bạn còn tính chuyển ngành. Phạm Thị Dung,
sinh viên năm thứ 4 khoa CNTT, ĐH Nông nghiệp Hà Nội, cho biết: “Em đang
băn khoăn không biết có nên học văn bằng kế toán không vì em thấy học
lĩnh vực CNTT khó quá. Năm thứ 4 nhưng em không hiểu đã học được những
gì rồi”. Một
số học viên các trung tâm đào tạo phi chính quy cũng có băn khoăn tương
tự. Bàn Văn An chia sẻ: “Em học lập trình viên quốc tế mà chả biết sau
này ra trường làm việc ở đâu?”
Không chỉ sinh viên mông lung về ngành họ đang theo học, một số người
cũng tỏ ra hoài nghi về tương lai nếu chọn theo ngành CNTT. Bạn Nguyễn
Lâm cho rằng “những người học CNTT phải may mắn mới tìm được việc làm
trong ngành này”. "Em thích lập trình mà sợ ngành này tiền lương thấp,
ít việc làm” bạn Nguyễn Tất Đức bày tỏ. Thậm chí, không ít ý kiến cho
rằng “cường độ làm việc lớn, phải thức khuya liên tục, học quá nhiều
công nghệ mới thường xuyên, cộng với đồng lương không cao là nguyên nhân
ít người muốn theo ngành này lâu dài”…
Chia sẻ với các bạn trẻ về những quan điểm trên, anh Lâm Quang Nam, một
người đã có 20 năm kinh nghiệm trong ngành CNTT, cho rằng có lẽ các bạn
trẻ nhận định ngành này chậm thăng tiến (trong quan niệm phổ thông
thăng tiến nghĩa là lên chức, lên lương) do mấy năm nay GDP của ta tăng
chậm, doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp CNTT gặp nhiều khó khăn, vì
vậy, mong lên chức, lên cấp, lên lương lúc này có vẻ hơi thiếu thực
tế.
Ở giai đoạn 2000-2005, thậm chí đến 2008, có lẽ không ai chê ngành CNTT
lương thấp hay chậm thăng tiến. Ngược lại, nhà nhà đổ đi làm CNTT,
người người đổ đi học CNTT vì thấy trong ngành này thăng tiến khá nhanh
và lương khá cao. Những người bắt đầu đi học/đi làm CNTT cách đây khoảng
5 năm mới là những người đầu tiên thấy ngành này chậm thăng tiến, nghề
này lương thấp vì ảnh hưởng chung của suy thoái toàn cầu như đã đề cập ở
trên. Đây cũng là thời điểm “cung cao hơn cầu” do nhiều người đổ xô đi
học CNTT vào những năm trước 2008.
Giao lưu với các học viên Aptech về chủ đề "Nghề lập trình - Góc nhìn
thẳng" ngày 13/4, ông Lê Quang Lượng, Giám đốc điều hành Công ty Luvina
(chuyên về gia công phần mềm), nói rằng cách nhìn bi quan về nghề CNTT
có chăng chỉ là quan điểm của một bộ phận nhỏ trong xã hội. Thực tế tại
Luvina, lập trình viên mới ra trường lương khởi điểm là khoảng 5,5 - 6
triệu đồng/tháng nhưng sau 3-5 năm có thể tăng lên 20 triệu đồng/tháng
nếu cá nhân đó có phương pháp làm việc hiệu quả, thành thạo ngoại ngữ,
có kỹ năng mềm. Còn t
heo Payscale.com,
website chuyên so sánh về lương, bình quân lương kỹ sư phần mềm (với 4
năm kinh nghiệm) ở Việt Nam gần bằng 4/5 ở Trung Quốc, và cao gấp đôi Ấn
Độ.
Đồng quan điểm với ông Lượng, ông
Phan Phương Đạt, Phó Tổng Giám đốc FPT Software, chia sẻ thực tế tuyển dụng tại công ty này cho thấy điểm
yếu của nhiều sinh viên hiện nay là chỉ có kiến thức nền tảng, không
được cập nhật công nghệ, thiếu kỹ năng mềm (như giao tiếp, làm việc
nhóm), yếu ngoại ngữ, thái độ và phương pháp làm việc. "Điều này khiến
các bạn khó bắt nhịp với thực tiễn của doanh nghiệp cũng như phát triển
về sau", ông Đạt nhấn mạnh. "Bên cạnh đó, một bộ phận giới trẻ có xu
hướng muốn làm giàu nhanh, trong khi ngành phần mềm lao động trí óc căng
thẳng nên họ coi đây ngành này lao động vất vả, lương thấp".
Nói về nghề lập trình, Nguyễn
Mạnh Linh, một lập trình viên công ty Gimasys, cho rằng mỗi ngành đều
có những áp lực riêng. Với nhân viên kinh doanh họ phải chịu áp lực về
doanh số, hay với nhân viên hành chính là ngày làm 8 tiếng thì với lập
trình viên, áp lực đặc thù là “over time” (làm việc thêm giờ). Tuy
nhiên, theo Linh, áp lực này chỉ diễn ra trong từng giai đoạn của dự án.
Khi dự án kết thúc, lập trình viên lại có thời gian nghỉ ngơi dài ngày,
có thể tranh thủ đi du lịch xa. Còn Nguyễn Thiện Chính, sinh viên Đại
học FPT ví "ngồi code cũng như đi cày. Chỉ có làm vì đam mê mới không
thấy vất vả". Cũng theo Chính, CNTT là ngành cực kỳ rộng lớn và nhiều cơ
hội vì CNTT giờ hiện hữu mọi nơi. Còn thu nhập dựa nhiều vào trình độ.
"Bản thân mình đã chứng kiến một coder 'cứng' (lập trình viên giỏi về
thuật toán, tư duy) lương còn cao hơn quản lý", Chính nói.
"CNTT không phải ngành vất vả, áp lực,
lương thấp như nhiều người vẫn nghĩ. Có chăng, các cơ sở đào tạo nên đẩy
mạnh hơn nữa hoạt động hướng nghiệp để sinh viên hiểu hơn về tương lai
việc làm sau này. Các sinh viên CNTT cũng nên tìm hiểu kỹ về công việc
mình sẽ theo đuổi, lựa chọn công ty có tầm nhìn phù hợp với định hướng
của bản thân để phát triển", ông Phan Phương Đạt nhận định.
Hải Mỹ
Comments[ 0 ]
Post a Comment