Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đề xuất, lần lấy phiếu tín nhiệm sau,
chỉ nên lấy phiếu đối với các thành viên Chính phủ chứ không nhất thiết
phải lấy phiếu cả bên Quốc hội.
Đây là ý kiến của Bộ trưởng Bộ Tư pháp khi trao đổi với
báo chí ngay sau khi Quốc hội công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm (LPTN) sáng 11/6.
Thưa Bộ trưởng, ông có thể chia sẻ cảm xúc của mình sau khi biết kết quả LPTN?
Tôi rất phấn khởi và trân trọng sự đánh giá của các vị ĐBQH và cũng
là của nhân dân đối với ngành tư pháp cũng như cá nhân mình. Qua đó,
chúng ta có thể nhìn nhận lại một cách nghiêm túc những gì đã làm được
và chưa làm được.
Đương nhiên, vẫn còn một số phiếu đánh giá tín nhiệm thấp, mà cũng
không phải là ít. Các ngành liên quan trực tiếp tới kinh tế, xã hội có
thể nhìn thấy rõ hơn. Còn đối với lĩnh vực tư pháp, tôi cũng phải suy
nghĩ, đánh giá lại nghiêm túc, xem những gì còn yếu kém thì phải chỉnh
sửa, cố gắng hơn nữa.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường
Một số người đứng đầu các lĩnh vực kinh tế, xã hội, số phiếu “tín nhiệm thấp” khá cao, Bộ trưởng suy nghĩ gì về điều này?
Tôi rất chia sẻ với họ. Tôi nghĩ cũng không phải trách nhiệm cá nhân của từng bộ trưởng đó.
Thực ra nhiều người cũng mới nhận nhiệm vụ trong gần 2 năm của nhiệm
kỳ này, trong khi sự tồn đọng để lại từ nhiều năm và rất lớn. Nhất là
trong lĩnh vực ngân hàng, trong điều kiện cơ chế tập trung quan liêu
bao
cấp của mình, tôi rất thông cảm và chia sẻ. Đương nhiên là có cả phần
cá nhân. Tôi nói không phải giải trình hộ các đồng chí đó nhưng khó khăn
là khách quan. Tài chính, giáo dục, y tế cũng còn rất nhiều khó khăn…
Bộ trưởng có thể giải thích về hiện tượng tín nhiệm của khối lập pháp cao hơn khối hành pháp?
Bộ trưởng
Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường có 176 phiếu “tín nhiệm cao” (chiếm 35,34%),
280 phiếu “tín nhiệm” (56,22%) và 36 phiếu “tín nhiệm thấp” (7,23%). |
Cái này thì cũng dễ hiểu thôi vì chức trách của ĐBQH ngoài lập pháp
còn giám sát. Quốc hội có trách nhiệm theo dõi, chỉ đạo, giám sát các
hoạt động của phía Chính phủ. Cho nên số phiếu tín nhiệm thấp thuộc về
phía hành pháp nhiều hơn cũng là dễ hiểu.
Phải chăng tình hình kinh tế đất nước vô cùng khó khăn giai đoạn
vừa qua là lý do Thủ tướng có khá nhiều phiếu “tín nhiệm thấp”? Theo
ông, lần tới, việc LPTN cần phải rút kinh nghiệm gì?
Có bao nhiêu vấn đề mà trách nhiệm người đứng đầu Chính phủ phải gánh
vác rất nặng nề trong giai đoạn phải nói là khó khăn nhất kể từ thời kỳ
đổi mới, cả do khó khăn do nội tại, cả khó khăn do bên ngoài tác động,
suốt từ năm 2010 đến giờ.
Vì Thủ tướng là người đứng đầu, các vị bộ trưởng, trưởng ngành cũng
phải chung tay chung lòng cùng với Thủ tướng để tháo gỡ khó khăn. Nếu
kinh tế thế giới tốt lên, nếu kinh tế đất nước chuyển biến rõ rệt thì có
thể kết quả bỏ phiếu sẽ khác.
Còn sang năm, tôi nghĩ là cần phải xem lại cần lấy phiếu với những
chức danh nào. Theo tôi chỉ cần lấy phiếu các thành viên Chính phủ. Chứ
Quốc hội lấy phiếu các chức danh của Quốc hội thì cũng không nhất thiết
lắm. Cơ chế Quốc hội thì các bạn biết rồi. Đó là nghị trường, là nguyên
tắc tập thể, các ĐBQH đều ngang nhau cả. Mọi sự thể hiện cá nhân đều
không rõ so với bên Chính phủ. Sự tương tác với các ĐBQH tính chất cũng
khác nhau. Nói chung, mọi sự so sánh đều rất khó.
Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!
Theo Hải Phong (Dân Việt)
Comments[ 0 ]
Post a Comment