Cá tầm nhập lậu từ Trung Quốc (TQ) tung hoành thị trường trong
nước khiến người tiêu dùng không khỏi hoang mang về chất lượng vệ sinh
an toàn thực phẩm.
Điều đáng nói là cá lậu từ
TQ phát triển rất nhanh khiến ngay cả lãnh đạo Bộ NNPTNT cũng tỏ ra
quan ngại về khả năng tồn dư chất kích thích, tăng trọng. Thông tin được
đưa ra tại cuộc họp VSATTP do Bộ NNPTNT tổ chức ngày 11.6.
Cá tầm nhập lậu vô tội vạ
Theo Hội Nghề cá VN, hiện nay xuất hiện tình trạng thương nhân TQ bắt
tay với một số cơ sở chăn nuôi khu vực biên giới đưa cá tầm TQ vào Việt
Nam để “rửa” thành cá tầm trong nước, đưa vào nội địa tiêu thụ. Cụ thể,
một cơ sở nuôi cá tầm tại Tam Đường (Lai Châu) đóng “vai trò” là trạm
trung chuyển để “rửa” nguồn gốc cá tầm nhập lậu. Thậm chí, tại các cơ sở
nuôi cá này có cả kỹ sư người TQ.
Phó Chủ tịch hội - ông Võ Văn Trác - cho biết: “Hoạt động này gây ảnh
hưởng nghiêm trọng đến sản xuất cá lạnh của Việt Nam. Làm lẫn lộn giữa
cá nuôi trong nước và cá nhập lậu. Hội Nghề cá Việt Nam phản đối việc
đưa cá tầm không rõ nguồn gốc từ TQ vào sản xuất, kinh doanh trái phép
tại Việt Nam”. Ông Trác đề nghị Bộ Công an vào cuộc, điều tra, xử lý
theo pháp luật những trường hợp phi pháp, nhằm bảo vệ ngành nuôi cá lạnh
trong nước cũng như đảm bảo ATTP cho người tiêu dùng Việt Nam.
|
Cá tầm không rõ nguồn gốc được bày bán. |
Kết quả kiểm tra của Tổng cục Thủy sản cũng cho thấy, tình trạng nhập
lậu cá tầm vào Việt Nam thời gian qua là có thực. Việc nhập lậu chủ yếu
được thực hiện qua một số tỉnh vùng biên giới phía bắc như Quảng Ninh,
Lạng Sơn, Lào Cai... Điều đáng nói là chưa ai nắm rõ quy mô, các đường
dây vận chuyển cụ thể. Về thông tin một cơ sở nuôi cá tầm tại Tam Đường,
Lai Châu làm cơ sở trung chuyển để đưa cá tầm TQ vào nội địa, Tổng cục
Thủy sản đã tiến hành kiểm tra, nhưng cơ sở này phủ nhận thông tin trên?
Tổng cục cũng đã lấy 2 mẫu cá tầm được bán trên thị trường Hà Nội để
kiểm tra các nguy cơ về ATTP, nhưng chưa có kết quả phân tích!
Cá tầm… ngoài tầm kiểm soát?
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Thu nhìn nhận, tình trạng
nhập khẩu, vận chuyển cá tầm nội địa hiện nay không được kiểm soát. Mặc
dù, Cites là đơn vị quản lý, cấp phép nhập khẩu cũng như nuôi trồng mặt
hàng này, song đến nay, đơn vị này chưa hề cấp phép cho bất kỳ đơn vị
nào từ trứng đến cá tầm giống. Với cá thương phẩm, phần lớn các lô hàng
cá tầm không có nguồn gốc, xuất xứ đều là hàng nhập lậu, vì Cơ quan Thú y
chưa hề cấp phép cho bất kỳ một lô hàng cá tầm thương phẩm nhập khẩu
nào.
|
Cá tầm không rõ nguồn gốc được bày bán. |
Cũng theo bà Xuân Thu, trước đây, trứng và giống cá tầm được nhập khẩu
về nước qua các Dự án tại các viện nghiên cứu. Nhưng sau khi nhân rộng
ra nuôi trồng đại trà, việc nhập lậu giống đã diễn ra. Một số cơ sở nuôi
trồng đã mời các chuyên gia TQ sang chăn nuôi, hoặc thương nhân TQ
“mượn” cơ sở nuôi trồng trong nước để làm trạm trung chuyển, đưa cá tầm
nhập lậu vào nội địa tiêu thụ.
Thứ trưởng Thu yêu cầu Cục Thú y ngay lập tức triển khai quản lý sản
phẩm này tại sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất. Bất kỳ lô hàng nào kiểm
tra không chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ buộc phải tiêu hủy. Tổng
cục Thủy sản kiểm tra các cơ sở nuôi cá tầm trong nước ở khu vực biên
giới, kê khai, giám sát theo quy định như nguồn gốc giống, ngăn ngừa
tình trạng trung chuyển sản phẩm nhập lậu. Cục Quản lý chất lượng nông
lâm thủy sản và nghề muối cần lấy ngay mẫu cá tầm TQ để kiểm tra dư
lượng chất kích thích tăng trưởng. Đối với DN trong nước, Thứ trưởng Bộ
NNPTNT đề nghị cần đăng ký, khuyến khích chăn nuôi, phát triển nhưng
không thể buông lỏng. Nếu DN vẫn vi phạm, nhập lậu về sẽ cấm nuôi để
giảm bớt tình trạng lợi dụng các cơ sở này để “rửa cá tầm lậu”.
Hàng chục vụ vi phạm bơm nước vào lợn. Theo
Bộ NNPTNT, trong tháng 5, đoàn kiểm tra liên ngành đã kiểm tra và phát
hiện gần 40 trường hợp bơm nước vào lợn sau giết mổ tại Cà Mau và TPHCM.
Đoàn đã xử phạt 120 triệu đồng. Cục trưởng Cục Thú y Phạm Văn Đông yêu
cầu thú y các địa phương thực hiện nghiêm túc việc kiểm soát vận chuyển
gia súc từ nơi xuất phát, nếu phát hiện hoặc nghi ngờ gia súc bị bơm
nước thì phải ngừng ngay việc cấp giấy chứng nhận kiểm dịch vận chuyển.
Lực lượng thú y “đứng chốt” tại các chốt, trạm kiểm dịch động vật đầu
mối giao thông phối hợp với các lực lượng liên quan tổ chức kiểm soát
chặt chẽ việc vận chuyển gia súc với mục đích giết mổ, thực hiện nghiêm
túc việc kiểm tra gia súc trước khi giết mổ tại cơ sở giết mổ gia súc.
D.Hà
Comments[ 0 ]
Post a Comment