Hút thuốc lá là nguyên nhân chính gây bệnh ung thư phổi - Ảnh: H.T.V.
Theo Financial Times, các thí nghiệm lâm sàng trên
khoảng 1.700 bệnh nhân ung thư phổi tại 86 quốc gia trong năm 2012 cho
thấy văcxin giúp kéo dài cuộc sống của bệnh nhân giai đoạn cuối gấp ba
lần so với những bệnh nhân chỉ trị liệu bằng hóa trị và xạ trị.
Kéo dài tuổi thọ người bệnh
AXWHO: ung thư phổi gây chết người nhiều nhất trong nhóm bệnh ung thư
Ung thư phổi thường bắt đầu với các triệu chứng như ho
liên tục với mức độ ngày càng nặng, ho ra máu, đau ngực, khó thở, ngạt
mũi, viêm phổi và viêm phế quản tái lại nhiều lần... Theo Tổ chức Y tế
thế giới (WHO), ung thư phổi là nguyên nhân phổ biến nhất trong những
trường hợp tử vong vì ung thư trên toàn thế giới. WHO thống kê trong năm
2008 có khoảng 1,38 triệu ca tử vong vì căn bệnh ung thư này.
|
Racotumomab không hẳn là văcxin vì không có tác dụng
phòng ngừa hay điều trị tận gốc ung thư phổi - vốn là một trong những
căn bệnh ung thư khó điều trị nhất hiện nay. Tuy nhiên Racotumomab là
phương cách điều trị kết hợp với hóa trị và xạ trị nhằm kéo dài tuổi thọ
và nâng cao chất lượng cuộc sống của người bệnh. Thí nghiệm cho thấy
khoảng 24% bệnh nhân tiêm Racotumomab có thể kéo dài thời gian sống so
với con số 8% ở những bệnh nhân chỉ dùng phương pháp hóa trị và xạ trị.
Không giống các phương cách chữa trị truyền thống,
Racotumomab không tấn công tất cả các tế bào mang bệnh lẫn khỏe mạnh.
Chuyên gia Daniel Alonso thuộc nhóm nghiên cứu cho biết văcxin này có
tác dụng kích hoạt hệ thống miễn dịch của cơ thể thông qua các kháng
nguyên và tìm diệt các tế bào ung thư bằng cách nhận diện chúng.
Nhóm nghiên cứu nhận thấy Racotumomab hiệu quả nhất khi
tiêm cho những bệnh nhân có khối u nhỏ lại do trải qua hóa trị và xạ
trị. Nhóm cũng thử nghiệm loại văcxin này trên cơ thể những người không
có phản ứng tích cực khi điều trị theo phương thức truyền thống. Bệnh
nhân sẽ nhận điều trị trong thời gian một năm, bắt đầu với năm liều, mỗi
liều cách nhau hai tuần. Sau đó nhận mỗi liều một tháng với các triệu
chứng phụ có thể xảy ra như cúm nhẹ.
Không phải ung thư phổi nào cũng giống nhau, nhưng
Racotumomab có thể điều trị cho những người mắc ung thư phổi không phải
là tế bào nhỏ (NSCLC) vốn chiếm khoảng 85% các trường hợp ung thư phổi.
Cuba đã áp dụng miễn phí Racotumomab tại các bệnh viện
trong nước. Trong khi đó văcxin này sẽ xuất hiện trên thị trường
Argentina vào ngày 1-7. Nhóm nghiên cứu cho biết Racotumomab sẽ có mặt
tại 25 nước thuộc châu Mỹ Latin như Brazil, Mexico, Uruguay... và châu Á
như Ấn Độ, Đài Loan, Hàn Quốc, Malaysia... vào năm 2015.
Chưa đăng ký lưu hành tại VN
Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Nguyễn Văn Bình
cho biết văcxin Racotumomab hiện chưa được đăng lý lưu hành tại VN. Tuy
nhiên, các tài liệu về văcxin này được đăng tải trên website của Tổ chức
Y tế thế giới cho thấy đây là nghiên cứu khá bài bản, do các nhà khoa
học Cuba có uy tín về nghiên cứu văcxin và sinh phẩm y tế tiến hành.
Cũng theo ông Bình, trong nhóm bệnh ung thư thì tại VN mới lưu hành
văcxin ngừa bốn chủng virút HPV gây ung thư cổ tử cung ở phụ nữ.
Trong khi đó, theo bác sĩ Đặng Huy Quốc Thịnh - phó
giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, ung thư phổi rất thường gặp ở nước
ta, đứng hàng thứ hai chỉ sau ung thư gan. Tại Việt Nam ước tính mỗi
năm, ở nam giới có khoảng 13.000 người mới mắc bệnh ung thư phổi và
11.000 người tử vong do căn bệnh này, ở nữ giới có khoảng 7.500 phụ nữ
mắc mới căn bệnh này và khoảng 6.500 ca tử vong. Tại TP.HCM, ung thư
phổi đứng hàng đầu trong các bệnh ung thư ở nam giới và đứng hàng thứ tư
ở nữ giới. Đến nay, liệu trình điều trị bệnh ung thư phổi chủ yếu là
phẫu thuật. Tùy từng trường hợp bác sĩ sẽ chỉ định thêm hóa trị, xạ trị.
Khoảng hai năm nay, các kỹ thuật chẩn đoán sinh học phân tử hiện đại đã
xác định chính xác các đột biến gen ở người mắc bệnh ung thư phổi, từ
đó các bác sĩ có thể chỉ định các loại thuốc mới, cải thiện đáng kể kết
quả điều trị cho bệnh nhân mắc bệnh ung thư phổi.
Hút thuốc lá là nguyên nhân chính gây ra ung thư phổi.
Do vậy, biện pháp phòng ngừa chủ yếu bệnh ung thư phổi vẫn là không tiếp
xúc với khói thuốc (không hút thuốc hoặc không hít phải khói thuốc của
người xung quanh).
A.THƯ - L.ANH - T.DƯƠNG
Comments[ 0 ]
Post a Comment