Trung Quốc đang biến biển Tây Philippines (Biển Đông – PV) thành cái ao nhà của mình”, Ngoại trưởng Albert del Rosario cảnh báo.
Trong một cuộc thảo luận bàn tròn về an ninh hàng hải với các lãnh đạo
Liên minh châu Âu (EU), Nghị viện châu Âu, chính phủ Bỉ… nhân chuyến
thăm 3 ngày tới Bỉ và Công quốc Luxembourg từ 8/7, Ngoại trưởng del
Rosario cho biết, việc Trung Quốc khẳng định cái gọi là “chủ quyền” với
hầu hết toàn bộ Biển Đông, dựa trên cơ sở yêu sách “đường 9 đoạn” phi lý
và phi pháp có thể hạn chế tự do hàng hải trên tuyến đường biển quan
trọng bậc nhất đối với thương mại toàn cầu.
Ông cũng tố cáo việc Bắc Kinh thiết lập “một sự hiện diện hải quân và
hàng hải áp đảo trên các vùng biển cách xa đất liền của họ” đang “gây
căng thẳng trong khu vực”.
“Philippines đã thực hiện nhiều nỗ lực để giải quyết các tranh chấp
lãnh thổ một cách hòa bình với Trung Quốc. Tuy nhiên, tất cả đều không
thành công”, ông del Rosario nói.
Ông cảnh báo, tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông “phức tạp” hơn nhiều so
với tranh chấp trên biển Hoa Đông bởi có nhiều tuyên bố chủ quyền chồng
chéo của nhiều quốc gia. Mặt khác, tuyên bố lãnh thổ tùy tiện của Trung
Quốc đi kèm theo việc triển khai tàu tới khu vực được bao quanh bởi yêu
sách “đường 9 đoạn”, có thể biển một vùng biển quốc tế thành cái ao nhà
của một quốc gia.
Theo ông del Rosario, khi phải đối mặt với sự xâm phạm lãnh thổ ngày
càng gia tăng từ phía Trung Quốc và khi đã “cạn kiệt hầu như mọi con
đường chính trị và ngoại giao” để giải quyết hòa bình tranh chấp với Bắc
Kinh, biện pháp cuối cùng của Philippines là trông cậy vào luật pháp
quốc tế.
Ông nhấn mạnh việc Manila đã đưa tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông với
Trung Quốc ra phân xử tại Tòa án trọng tài Liên hiệp quốc về Luật Biển,
được thành lập theo Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS)
và cùng với các nước láng giềng Đông Nam Á, thúc giục Trung Quốc ngồi
vào bàn đàm phán bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC), giúp ngăn ngừa
xung đột.
Bên cạnh đó, người đứng đầu ngành ngoại giao Philippines cũng thuyết
phục các quan chức EU về tầm quan trọng của Biển Đông trong thương mại
của châu Âu và rằng, an ninh cũng như tự do hàng hải phải được bảo vệ
trên các tuyến đường vận chuyển.
“Đảm bảo tự do hàng hải và thương mại hợp pháp qua khu vực này là mối
quan tâm không chỉ của châu Á, châu Âu mà còn cả của cộng đồng quốc tế”,
Ngoại trưởng Philipines nói.
Theo một tuyên bố của Bộ Ngoại giao Philippines hôm 10/7, các thành
viên Nghị viện châu Âu đã bày tỏ sự ủng hộ đối với cách tiếp cận của
Philippines về hàng hải, đặc biệt là sự tôn trọng của Manila đối với
Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển trong các cuộc họp với Ngoại trưởng
del Rosario.
Minh Châu (Theo PhilStar)
Comments[ 0 ]
Post a Comment