Kết quả lấy phiếu tín nhiệm cho thấy, các quan chức hành pháp có số phiếu "tín nhiệm thấp" nhiều hơn các quan chức lập pháp.
Kết quả lấy phiếu tín nhiệm do Quốc hội
và Hội đồng nhân dân các địa phương tổ chức thời gian qua cho thấy, các
quan chức ngồi "ghế nóng" thuộc lĩnh vực hành pháp (Chính phủ, Ủy ban
nhân dân các cấp) có số phiếu tín nhiệm thấp hơn các chức danh thuộc cơ
quan lập pháp (Quốc hội, HĐND). Lý giải về vấn đề này, ông Bùi Khánh
Thụy, nguyên chuyên viên cao cấp Ủy ban Kiểm tra TƯ Đảng cho rằng, đây
là điều... dễ hiểu.
Gần dân nên bị “soi” kỹ
Theo ông Thụy, các quan chức ở Chính phủ cũng như UBND thực hiện những
công việc liên quan đến đời sống nhân dân nên ít nhiều có “va chạm”. Bên
cạnh đó, họ thường đối mặt trực tiếp, chịu trách nhiệm về các vấn đề
nóng của xã hội. Ngoài ra, những việc làm của bộ trưởng, giám đốc sở...
tác động trực tiếp đến đời sống nhân dân nên cũng bị “soi” kỹ hơn.
Trong khi đó, các quan chức Quốc hội, HĐND làm những việc như giám
sát, lập pháp... thì không “gần dân” như chức danh phía hành pháp. Hơn
nữa, quan chức khối lập pháp làm việc tập thể, quyết định theo đa số nên
trách nhiệm cá nhân không rõ ràng.
Ông Thụy đưa ra ví dụ: Những vụ việc “nóng” thời gian qua như vụ Văn
Giang, vụ Tiên Lãng... nếu cơ quan của Quốc hội, HĐND có ý kiến, nhân
dân hoan nghênh. Nếu không có ý kiến, cũng không sao. Nhưng phía UBND
không xử thì không được hoặc xử không hay sẽ bị người dân phản ứng.
Các quan chức hành pháp có số phiếu "tín nhiệm thấp" nhiều hơn phía lập pháp.
Tuy nhiên, theo ông Thụy, việc lấy phiếu tín nhiệm sẽ giúp những
người được lấy phiếu hiểu rõ những ưu, khuyết điểm của mình hơn, đồng
thời nhắc nhở những người có nhiều phiếu tín nhiệm thấp nhận thức rõ hơn
trách nhiệm của mình để làm việc tốt hơn.
“Người có nhiếu tín nhiệm cao yên tâm làm việc, nhưng người bị nhiều
phiếu tín nhiệm thấp sẽ giật mình. Sự “giật mình” ấy là thức tỉnh để
quan chức suy nghĩ mà sửa chữa", ông Thụy nói.
Nên có tiêu chí cho từng chức danh
Ông Bùi Khánh Thụy cho rằng, qua thực tế lấy phiếu tín nhiệm, có thể
thấy kết quả lấy phiếu còn nhiều điều phải bàn, trong đó có việc các
chức danh thuộc khối lập pháp có phiếu tín nhiệm cao.
Trước ý kiến không cần lấy phiếu tín nhiệm các quan chức khối lập
pháp, ông Thụy cho rằng, cần phải cân nhắc và nghiên cứu thêm vấn đề
này.
“Theo tôi, lấy phiếu tín nhiệm nên tập trung, hướng vào quan chức phía
cơ quan hành pháp hơn là quan chức khối lập pháp. Cần lấy phiếu tất cả
các trưởng ngành ở trung ương, địa phương...”, ông Thụy nói.
Ông Vũ Mão, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội lại cho rằng, chỉ nên
bỏ phiếu tín nhiệm với những người “có vấn đề” chứ không nên lấy phiếu
tín nhiệm đồng loạt.
Trong khi đó, ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban
Kiểm tra TƯ Đảng cho rằng, ai có trách nhiệm với dân đều phải lấy phiếu
tín nhiệm.
“Các chức danh bên Quốc hội làm nhiệm vụ giám sát, lập pháp... cũng cần
phải có thước đo xem ai làm tốt, có trách nhiệm, ai làm không tốt”, ông
Hùng nói.
Ông Hùng cũng cho rằng, kết quả lấy phiếu tín nhiệm ở Quốc hội, HĐND như
vừa qua đúng là còn phải bàn thêm. Có người làm nhiều nhưng kết quả tín
nhiệm thấp, người làm ít thì tín nhiệm lại cao.
“Do vậy, vấn đề lấy thế nào cho chính xác? Nên xây dựng tiêu chí
riêng cho từng chức danh, bên phía lập pháp tiêu chí phải khác với phía
hành pháp. Hơn nữa, có tiêu chí riêng, cụ thể để người đi bỏ phiếu không
đánh giá một cách cảm tính”, ông Hùng nói.
Dương Tùng
Comments[ 0 ]
Post a Comment