Với các tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào
đã được Bộ GD-ĐT công bố, hy vọng nguồn tuyển cho những trường ĐH, CĐ
khó tuyển ở năm trước sẽ “dồi dào” hơn vì được mở rộng thêm một mức và
chấp nhận nhân hệ số môn chính khi xét tuyển.
Phân tốp các trường đại học
Điểm sàn áp dụng từ năm 2004 đến năm 2013 với một mức điểm duy nhất
dành cho từng khối thi và không nhân hệ số. Điểm sàn cho bậc ĐH và CĐ
chênh nhau 3 điểm (trừ năm 2013 khối D chênh đến 3,5 điểm). Theo mức
điểm sàn quy định, hằng năm có khoảng gần 50% thí sinh dự thi đủ điều
kiện và có thể tham gia xét tuyển vào các trường.
Với một mức điểm duy nhất này, nhiều năm qua đã hình thành một quá
trình “phân tầng tự nhiên” các trường ĐH thành 3 tốp: Những trường/ngành
có điểm chuẩn cao và không phải xét tuyển bổ sung hoặc tuyển thêm rất
ít (dưới 10% chỉ tiêu, chủ yếu chuyển thí sinh không trúng tuyển từ
ngành này sang ngành khác). Tốp trường có điểm chuẩn trung bình, phải
tuyển bổ sung khoảng 30 - 50% chỉ tiêu từ thí sinh không trúng tuyển vào
các trường tốp trên. Tốp trường có điểm chuẩn thấp, dao động ở mức bằng
điểm sàn hoặc phải tuyển bổ sung hơn 50% chỉ tiêu từ các thí sinh không
trúng tuyển vào các trường tốp trên.
Như vậy việc dự kiến có 3 - 4 mức điểm xét tuyển cơ bản trong kỳ
tuyển sinh 2014 là định lượng hóa sự phân tầng dựa trên thực tế kết quả
tuyển sinh ĐH, CĐ từ nhiều năm qua, trong đó mức điểm thấp nhất sẽ dành
cho bậc CĐ.
Tăng số thí sinh đủ điều kiện xét tuyển ?
Những năm trước đây, chỉ có các thí sinh có tổng điểm thi không nhân
hệ số từ mức điểm sàn của khối thi trở lên mới được xét tuyển vào các
trường. Trong năm 2014, theo quy định, các trường được phép xét tuyển
thí sinh có kết quả thi đạt từ mức điểm chuẩn xét tuyển trở lên (điểm
chuẩn xét tuyển cơ bản hoặc điểm chuẩn xét tuyển có tính hệ số của môn
chính). Như vậy số lượng thí sinh đủ điều kiện xét tuyển có thể tăng
nhiều hơn nếu trường “vận dụng” tiêu chí nhân hệ số.
Giả sử mức xét tuyển cơ bản thấp nhất của khối A được quy định là 13.
Một thí sinh có điểm thi môn toán là 5,5, lý 4, hóa 3, như vậy tổng
điểm 3 môn thi chưa nhân hệ số là 12,5 điểm. Theo quy định “điểm sàn”
như những năm trước đây, thí sinh này không được xét tuyển vào các
trường ĐH. Tuy nhiên, nếu năm nay nhà trường chọn toán là môn chính và
nhân hệ số 2 thì tổng điểm thi của thí sinh này sẽ là 18 điểm. Nếu
trường ấn định điểm chuẩn xét tuyển là 18 thì giá trị trung bình của
điểm chuẩn xét tuyển (18/4 = 4,5) lớn hơn giá trị trung bình của mức
điểm xét tuyển cơ bản (13/3 = 4,33) và thí sinh này sẽ trúng tuyển.
Như vậy, với những điều chỉnh tuyển sinh của năm 2014, ngoài số học
sinh được xét tuyển thẳng dựa trên kết quả học và thi tốt nghiệp THPT,
dự đoán sẽ có thêm khoảng 10% thí sinh đủ điều kiện xét tuyển so với năm
trước (chỉ 50% như phân tích ở trên).
Comments[ 0 ]
Post a Comment