Cầu vượt được xây dựng bằng kết cấu thép
đầu tiên của TP.HCM tại ngã tư Thủ Đức đã bị lún mặt đường khá nặng chỉ
sau hơn 2 tháng đưa vào sử dụng.
Trưa 28.3,
Thanh Niên ghi nhận tại cầu vượt bằng thép ngã tư
Thủ Đức trên xa lộ Hà Nội xảy ra tình trạng lún khá nghiêm trọng. Dọc
theo mặt cầu hướng từ trung tâm thành phố, cảng Cát Lái (Q.2) về phía
cầu Đồng Nai, mặt nhựa bị biến dạng, lún tạo thành các đường rãnh dài từ
chân lên đỉnh cầu. Các ụ đùn mấp mô có thể gây nguy hiểm cho các phương
tiện lưu thông. Mặt cầu ở chiều lưu thông ngược lại cũng bị lún nhưng
có phần nhẹ hơn. Trưa 28.3, dù không phải là giờ cao điểm nhưng lượng xe
container, xe tải nặng chen chúc nhau trên cầu, thành cầu rung bần bật.
Ông Bùi Xuân Cường, Phó giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP.HCM
cho biết: “Kết quả khảo sát đến chiều 28.3 cho thấy bê tông nhựa mặt cầu
Thủ Đức bị lún trồi ngay tại vị trí vệt bánh xe trên một làn bên phải
hướng TP.HCM - Đồng Nai, trên chiều dài khoảng 35 m, do mật độ xe quá
lớn (khoảng trên 10.000 xe/ngày đêm/làn), tải trọng xe quá lớn (khoảng
100 tấn/45 tấn so với tiêu chuẩn xe tải thông thường của Việt Nam). Hơn
nữa là xe tải nặng tập trung chạy trên 1 làn, bánh xe tạo áp lực trùng
phục, gây lún trồi, làm lưu thông không êm thuận. Tổng công ty Thăng
Long sẽ sửa theo hướng bóc bỏ hết 7 cm bê tông nhựa C15 cũ, thay thế 4
cm bê tông nhựa C15 mới cho lớp dưới và 3 cm bê tông nhựa polyme cho lớp
trên (như cầu Sài Gòn đã làm). Tối 29.3 sẽ thực hiện”. Ngoài ra, ông
Cường cho biết thêm cầu vượt này đang trong giai đoạn bảo hành, nhà thầu
chưa bàn giao cho chủ đầu tư. Vì vậy, trách nhiệm sửa chữa, khắc phục
thuộc về nhà thầu.
Mặt cầu vượt Thủ Đức bị lún, tạo rãnh dài 35 m (ảnh chụp vào trưa 28.3) - Ảnh: Đ.Mười
|
Chưa rõ nguyên nhân
Sự cố lún mặt cầu vượt đang gây lo ngại không chỉ cho người dân mà
cho cả ngành giao thông. Đó là vì TP.HCM đang chuẩn bị xây thêm nhiều
cầu vượt và xem đây như giải pháp tối ưu trong việc giải quyết tình
trạng kẹt xe. Bên cạnh đó, ông Bùi Xuân Cường cho biết: “Cầu vượt bằng
thép tại ngã tư Thủ Đức được thiết kế theo tiêu chuẩn cho đoàn xe HL93,
nghĩa là không giới hạn tải trọng nhưng giữa 2 xe qua cầu phải tuân thủ
khoảng cách nhất định. Thế nhưng, thực tế hiện nay xe tải, container
không tuân thủ quy định”.
Kỹ sư cao cấp Hà Ngọc Trường cho biết chiều 28.3 ông cùng đoàn chuyên
gia đang tiến hành khảo sát, tìm hiểu thực tế xung quanh sự cố lún mặt
cầu vượt Thủ Đức. Ông Trường cho rằng do đang bận nên chưa thể đưa ra
nhận xét, đánh giá nguyên nhân ngay lúc này. Tuy nhiên, theo ông, lún
mặt cầu không chỉ do mỗi nguyên nhân xe quá tải.
Cầu vượt bằng thép ngã tư Thủ Đức được khởi công ngày
10.7.2012, thông xe ngày 27.1.2013. Cầu dài 570 m, mặt cầu rộng 16 m với
4 làn xe, không cho xe gắn máy lưu thông, ô tô không giới hạn tải
trọng. Công trình có vốn đầu tư 277 tỉ đồng, Tổng công ty xây dựng Thăng
Long thi công. Tại TP.HCM, ngoài 2 cầu vượt bằng thép đã hoàn thành
(Thủ Đức, Hàng Xanh) và 1 cầu vượt (Lăng Cha Cả) đang được thi công,
ngày 30.4 sắp tới TP.HCM sẽ làm thêm 3 cầu vượt bằng thép với tổng vốn
đầu tư trên 1.016 tỉ đồng. Đó là các cầu vượt tại 3 nút giao thông trọng
điểm gồm nút giao Cộng Hòa - Hoàng Hoa Thám, nút giao Nguyễn Tri Phương
- Ba Tháng Hai - Lý Thái Tổ và nút giao vòng xoay Cây Gõ.
|
Đình Mười
Comments[ 0 ]
Post a Comment