Theo chuyên gia Đông Á Michael Auslin, Mỹ cần phản ứng
khi nắm giữ vai trò lâu dài là đảm bảo Biển Đông không bị quốc gia đơn
lẻ nào kiểm soát.
Bãi cạn James chỉ cách bờ biển
Malaysia 50 hải lý, cách bờ biển Trung Quốc tới 1.120 hải lý. Sự xuất hiện của một đội tàu hải
quân Trung Quốc ở đây cho thấy họ đang thúc đẩy việc thực thi yêu sách chủ quyền ở
Biển Đông.
Michael Auslin, chuyên gia Đông Á tại Viện Kinh doanh Mỹ cho
biết, việc quân đội Trung Quốc diễn tập ở phần cực nam của vùng biển cho thấy,
chiến lược "trục xoay châu Á" của chính quyền Obama mà Nhà Trắng nói là sẽ tái
tập trung tài sản quốc phòng Mỹ từ Trung Đông sang Đông Á, đã tạo ra ít kết quả
với các nước như Philippines hay Nhật Bản.
"Chúng ta đang mất uy tín với các
đồng minh và bạn bè bằng cách không can dự", ông nói. "Trung Quốc hiểu việc Mỹ
không hành động là tín hiệu đèn xanh để họ tiến tiếp".
Trong năm 2010, Trung Quốc đã
dựng dấu mốc trên bãi cạn James nhằm tuyên bố chủ quyền của họ với tên gọi "bãi
ngầm Zengmu". Hành động này là một phần trong yêu sách chủ quyền mà Bắc Kinh áp
dụng cho toàn bộ các đảo, bãi cá và tài nguyên năng lượng ở Biển Đông - vùng
biển mà nhiều nước khác tuyên bố chủ quyền. Đây còn là lộ trình quan
trọng vận chuyển hàng hóa thương mại toàn cầu, với một nửa lượng hàng hóa thế giới
đi qua.
Malaysia cho hay yêu sách của
Trung Quốc hoàn toàn chỉ là nỗ lực chiếm dụng tài
nguyên như trầm tích dầu khí tại khu vực được quốc tế công nhận là phần lãnh thổ
của Malaysia.
Stephanie Kleine-Ahlbrandt, giám
đốc Đông Bắc Á của Nhóm Nghiên cứu khủng hoảng quốc tế - một tổ chức phi lợi
nhuận, hoạt động để ngăn chặn xung đột - nói rằng, các cuộc diễn tập của hải quân
Trung Quốc là biểu hiện của chiến lược "chuyển từ cường quốc đất liền
sang cường quốc hàng hải".
Gary Li, nhà nghiên cứu cấp cao
của tổ chức IHS Fairplay ở London mô tả, hoạt động của đội tàu "là một thông
điệp mạnh mẽ bất ngờ" từ tầng lớp lãnh đạo mới của Trung Quốc. "Không chỉ là
vài tàu mà là tàu đổ bộ hiện đại mang theo đặc nhiệm và được các tàu
hộ tống tốt nhất và máy bay chiến đấu hỗ trợ", ông nhấn mạnh. "Chúng tôi chưa
từng chứng kiến việc này kể cả về số lượng hay chất lượng".
Theo ông Auslin, Mỹ cần phản ứng
khi nắm giữ vai trò lâu dài là đảm bảo vùng biển này không bị một quốc gia đơn
lẻ nào kiểm soát. Ông nói, Nhà Trắng cần gia tăng tần suất của các tàu chiến Mỹ
trong khu vực để cho Trung Quốc thấy rằng "chúng ta đang hiện diện".
Nhà Trắng tuyên bố muốn tất cả
các bên giải quyết tranh chấp một cách hòa bình thông qua cơ chế pháp lý quốc
tế. Nhưng cách hành xử của Trung Quốc bị rất nhiều nước trong khu vực coi là sự
gây hấn. Chuyên gia Auslin cho rằng, hành xử của Trung Quốc sẽ làm suy yếu chính
sách cả trăm năm qua của Mỹ là duy trì vùng biển mở cho tất cả. "Liệu chúng ta
có muốn nhìn thấy môi trường thay đổi, nơi quan hệ giữa các nước được xác định
bởi kẻ mạnh nhất? Đó là thế kỷ 19", ông khẳng định.
Comments[ 0 ]
Post a Comment