TTO - Sau cái chết của 5 người tìm trầm, ngày 28-3, Tuổi Trẻ Online đã
có mặt tại thôn Tân Sơn, xã Quảng Sơn (còn gọi là xóm Chay, Quảng Trạch,
Quảng Bình). Tại những nơi này, cuộc sống như chững lại...
Việc lên rừng quen thuộc như mọi ngày đã được tạm dừng
để tiễn đưa 5 người thợ rừng xấu số bị giết chết trong chuyến tìm trầm
định mệnh ngày 23-3.
Xóm Chay gần như là một ốc đảo, bao bọc xung quanh toàn
rừng núi. Người dân nơi đây quanh năm chỉ dựa vào rừng để sống, tuyệt
nhiên không thấy một mảnh ruộng nào.
Ông Hoàng Văn Thuận, trưởng thôn Tân Sơn, nói: "Đó như
là định mệnh của vùng đất này. Cuộc sống hoàn toàn dựa vào rừng để tồn
tại. Như sinh nghề tử nghiệp vậy".
Gia đình chị Hoàng Thị Hòe, 32 tuổi, nằm gần cuối xóm
cũng nghèo khó như bao gia đình khác ở đây. Anh Trần Văn Trị, chồng chị,
là một trong năm người thợ rừng xấu số bị giết trong chuyến tìm trầm
vừa qua. Dù thi thể chồng đã được đưa về chôn cất một ngày trước nhưng
chị Hòe vẫn chưa hết bàng hoàng.
"Ảnh nói sẽ cố đi trầm vài chuyến để có tiền trả nợ
ngôi nhà đang xây dang dở, rồi sẽ ở nhà làm quanh quẩn cho đỡ hiểm nguy.
Nhưng chưa kịp thì đã gặp nạn...", chị nấc nghẹn.
Anh Trị đã là thợ rừng hàng chục năm nay, nhưng trước
đó toàn làm nghề khai thác gỗ trồng ở gần nhà. Ba năm nay mới chuyển qua
đi trầm vì rừng trồng khai thác mãi cũng hết, không còn việc gì làm. Cả
nhà anh mấy năm nay chỉ trông cậy vào sức vóc của anh. Chị Hòe bị gai
cột sống chỉ làm được việc nhà.
Lúc chúng tôi đến, ba đứa con của anh chị đang ngồi
nhai mì gói sống trên khúc gỗ trước sân nhà. Đối với những đứa trẻ này,
mì gói sống được xem như là một món quà quý giá giữa lúc đói lòng mà bữa
cơm chưa đến. Chị cả Trần Thị Mỹ Tâm, 11 tuổi, đen nhẻm, gầy gò, thi
thoảng phải gạt nước mắt cho mẹ. Con gái út của anh Trị là cháu Trần Thị
Lệ Hằng, 5 tuổi, cứ thút thít: "Ba không về nữa phải không mạ (mẹ)?!".
Chị Hòe cũng chưa biết sắp tới sẽ phải xoay xở như thế nào để mấy đứa
con vẫn được đi học mỗi ngày.
Cùng thôn Tân Sơn nhưng có đến hai người bị nạn cùng
lúc. Ông Đinh Văn Vệ, 53 tuổi, cũng ngồi thẫn thờ nhìn lên ngọn núi cao
ngất trước mặt như trông đợi đứa con trai út trở về. Con ông là Đinh Văn
Thanh, mới 21 tuổi, là người trẻ nhất trong nhóm thợ rừng bị nạn. "Nghe
báo tin con bị giết mà tui không dám tin. Chỉ khi đưa về tui mới tin là
mất con thật", ông kể.
Thanh mới chỉ đang "học việc" đi rừng. Học xong cấp II,
Thanh nghỉ học ở nhà. Từ đó đến nay cứ phải theo các chú, bác đi rừng
kiếm tiền giúp đỡ gia đình. Hai ngày nay, bà con xóm giềng thay nhau đến
chia sẻ động viên gia đình.
Ngôi nhà anh Đỗ Văn Hiền là nơi duy nhất còn thấy
sự chộn rộn trong thôn, bởi anh là người duy nhất chạy thoát khỏi bọn
bắt cóc để về báo tin.
Cho đến ngày 28-3, anh Hiền vẫn chưa trấn tĩnh hoàn
toàn trước sự việc vừa xảy ra. Nhiều người trong xóm làng cũng đến thăm
anh và để nghe anh kể lại những ngày khủng khiếp ở trong rừng. "Cả nhóm
đều bị đánh chết. Tôi không nghĩ là mình còn sống sót trở về. Đến giờ
tôi vẫn còn thấy rùng mình khi nhớ lại giây phút đó...".
Ở xã Quảng Minh, không khí tang tóc cũng bao trùm nặng
nề không kém. Chị Hoàng Thị Mỹ Lệ, vợ nạn nhân Trương Thanh Hiền, ở thôn
Bắc, ngồi ôm hai đứa con khóc. Chị không còn kể chuyện được bởi đã khóc
mấy ngày, giọng khản đặc.
Ông Tâm, một người hàng xóm cũng là họ hàng của chị, kể
anh Hiền đi trầm đã gần chục năm nay. Trúng đâu chưa thấy, nay phải đổi
mạng. Ông lo lắng: "Nó mới hơn 30 đã mất chồng. Ruộng vườn không có,
lại không nghề nghiệp, không biết rồi đây nó sẽ lo cho hai đứa nhỏ ăn
học bằng cách nào...".
Comments[ 0 ]
Post a Comment